Báo cáo của UBND TPHCM về công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn thành phố, gửi Ban Nội chính Trung ương, có một thông tin được dư luận quan tâm: trong 9 tháng năm 2015, tổng số tiền biếu tặng lên tới 433 triệu đồng từ bệnh nhân và người nhà nằm điều trị tại Bệnh viên Bình Chánh đã được y bác sĩ nộp trả lại. Số tiền 433 triệu đồng không phải quá lớn so với tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp hiện nay. Thế nhưng, hành động của đội ngũ thầy thuốc tại Bệnh viện Bình Chánh thật đáng hoan nghênh. Bởi lẽ, hành động ấy thể hiện ý thức phản ứng mạnh mẽ trước những tiêu cực đã và đang ám ảnh ngành y từ nhiều năm nay.
Bây giờ, hễ vào bệnh viện phải mất tiền. Tiền viện phí, tiền thuốc men không bàn làm gì. Khoản tiền nhức nhối nhất là bồi dưỡng cho bác sĩ trực tiếp chữa trị hoặc hộ lý thường xuyên thăm khám. Tiền bồi dưỡng rất nhạy cảm, không ai muốn thừa nhận, nhưng không ai đủ sức đứng ngoài luật lệ vô hình kia. Vì sao? Có bệnh vái tứ phương, bệnh nhân nào cũng mong nhận được sự quan tâm cần thiết. Bệnh nhân này đã chi tiền bồi dưỡng, bệnh nhân nọ cũng bắt chước theo. Cái tâm lý nhìn nhau để sống, khiến tiền bồi dưỡng hình thành như một điều hiển nhiên ở các bệnh viện.
Chính những lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận thực trạng bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân, nhưng chưa có biện pháp khắc phục, ngoài những lời kêu gọi. Nếu là bệnh viện quốc tế, mọi chi phí ngất ngưởng đã tính vào hóa đơn, bệnh nhân được phục vụ không khác gì thượng đế. Còn ở những bệnh viện bình thường, không quá khó để nhận ra sự khác biệt giữa bệnh nhân giàu và bệnh nhân nghèo trong thái độ ứng xử của các bác sĩ lẫn các hộ lý. Nguyên nhân cũng vì tiền bồi dưỡng có hay không và ít hay nhiều.
Bệnh viện Bình Chánh chỉ là cơ sở y tế cấp huyện, thu nhập của đội ngũ thầy thuốc chắc chắn khiêm tốn. Thế nhưng, khi quan niệm “lương y như từ mẫu” được kích hoạt, họ thực sự xuất hiện như những thiên thần áo trắng. Khi tiền bồi dưỡng được nộp lại và thông báo công khai, nghĩa là trong mắt bác sĩ chỉ có bệnh nhân cần giúp đỡ, chứ không có kẻ sang và kẻ hèn. Bác sĩ không bận tâm về tiền bồi dưỡng, nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần của bệnh nhân đều được xoa dịu.