Gìn giữ đặc trưng của Đà Lạt trong tương lai

(ĐTTCO)-  UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Tham dự có đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội kiến trúc sư Việt Nam cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đến năm 2045, không gian đô thị Đà Lạt sẽ mở rộng gần gần 10 lần so với hiện tại
Đến năm 2045, không gian đô thị Đà Lạt sẽ mở rộng gần gần 10 lần so với hiện tại

Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 257, ngày 17/3/2023. Theo đó, phạm vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà, mở rộng theo hướng từ cao trình 850m trở lên so với mực nước biển; diện tích ranh giới quy hoạch lên đến 336.000ha, gấp gần 10 lần diện tích Đà Lạt hiện nay.

Quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 là định hướng quy hoạch dài hạn về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan trong lòng đô thị, trong đó có nhiệm vụ giải quyết các tồn tại của quá trình thực hiện quy hoạch được duyệt.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để gìn giữ đặc trưng bản sắc riêng biệt của Đà Lạt theo thời gian, hướng tới tiêu chí tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, rất cần có một định hướng dài hạn, các cơ chế chính sách đặc thù mới thực hiện thành công ý tưởng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

KTS. Trần Ngọc Chính, nói: “Hôm nay chắt lọc những ý kiến hết sức quan trọng, và trên cơ sở đó đi sâu vào vấn đề quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận. Bây giờ muốn giữ được Đà Lạt thì phải làm thế nào? Nếu mà xây dựng theo cách làm mất đi cảnh quan, thiên nhiên hay mật độ quá cao thì có còn là Đà Lạt nữa không? Một trong những thành phố cao trên thế giới, cao 1.500m so với mực nước biển nhưng mưa vẫn bị ngập thì cái đó chúng ta cần làm rõ. Đà Lạt đẹp là vì Đà Lạt trong rừng – rừng trong Đà Lạt, muốn giữ được Đà Lạt thì chúng ta phải có quy hoạch”.

Hội thảo đã dành nhiều thời gian tham luận và thảo luận các nhóm vấn đề về sự cân bằng phát triển du lịch và nâng cao chất lượng sống cho cư dân địa phương; cân bằng giữa không gian nông nghiệp (theo hướng nông nghiệp thông minh) với không gian rừng và sự phát triển đô thị; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu; lựa chọn mô hình phát triển đô thị Đà Lạt để đảm bảo cân bằng trong phát triển không gian, cảnh quan và kiến trúc đô thị tiến tới xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị di sản.

Các tin khác