Gìn giữ hồn cốt đại ngàn

Gìn giữ hồn cốt đại ngàn

bai-2-17-2732.jpg

Lịch sử hình thành đầy thăng trầm đã để lại cho miền Trung nhiều bản sắc văn hóa đặc sắc, giao thoa của nhiều nền văn minh. Đặc biệt, ở khu vực miền núi có rất đông dân tộc thiểu số sinh sống, họ đang gìn giữ nhiều di sản văn hóa quý, tạo thành những “mạch chảy” văn hóa đa sắc, đa màu góp phần làm cho dải Trường Sơn thêm hùng vĩ, linh thiêng.

Nhiều lễ hội, làn điệu nguyên thủy

Những ngày rong ruổi qua các bộ tộc, thị tộc dưới rặng Trường Sơn, chúng tôi gần như bị cuốn vào sức hút của các lễ hội, tín ngưỡng, triết lý chân thực mà sâu sắc của người nơi cửa rừng.

Xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) nằm hun hút giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi “lãnh địa” của hơn 3.000 người Ma Coong sinh sống. Từ ngàn xưa, người Ma Coong đã sống cộng sinh với rừng già, họ thể hiện bản sắc văn hóa bằng lễ hội đập trống Ma Coong (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Xuân Hoàng (Quảng Bình), lễ hội đập trống Ma Coong là dịp để 5 dòng họ Ma Coong từ các ngọn rừng ngồi lại. Nhân vật chính của lễ hội là con người, nhưng linh hồn chính của hội hè là tiếng trống Ma Coong. Chiếc trống được làm bằng cây chicup khoét rỗng ruột, 2 đầu bịt kín bằng da bò mộng.

559-414.png

Đêm xuống, trai gái của 18 bản làng Thượng Trạch và các bản Ma Coong từ Lào tụ tập về, bắt đầu đập trống, uống rượu hiêng. Vừa đập trống vừa hô: Roa lữ Giàng ơi! Roa lữ! Roa lữ Giàng ơi (sướng quá trời ơi). Chừng 2-3 giờ sáng, trống vỡ, trai gái Ma Coong đến với nhau, dắt nhau ra bờ suối. Sáng hôm sau, tan hội, ai về nhà nấy, trở lại cuộc sống thường nhật.

Ngược sang cao nguyên Quy Đạt (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), cộng đồng 45.000 người Nguồn nơi đây đang lưu giữ một điệu hò “độc nhất vô nhị”: Hò thuốc cá, cũng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa kể, bà con người Nguồn xưa mỗi khi ra suối bắt cá thường dùng rễ cây tèng, lá cây hôi, rễ cây rơn bên bờ suối giã lại rồi dùng nước hỗn hợp đem bỏ đầu nguồn suối. Vừa giã họ vừa hát những làn điệu của cha ông đến nay trở thành một kho tàng diễn xướng sâu rộng. Từ hò thuốc cá trở thành hò sinh hoạt cộng đồng, hò tình yêu đôi lứa, nên duyên vợ chồng.

bai-1-13-8130.jpg

Ở quanh quần thể núi Ngọc Linh (Nam Trung bộ), cộng đồng người Cor với dân số khoảng 30.000 người đang gìn giữ lễ hội đặc biệt, Tết Ngã Rạ (hay Tết Xa Ní). Tết Ngã Rạ quay quanh vòng đời của cây lúa, vụ mùa của người Cor. Lồng ghép vào mùa phát dọn ruộng, rẫy rồi xuống giống, chăm sóc lúa chín để thu hoạch thì người Cor đều chọn thời điểm, lấy cảm hứng để xây dựng lễ hội.

Tết Ngã Rạ diễn ra trong 3 ngày, trong đó phần lễ là lúc già làng nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ riêng với các vị thần, như: thần giữ giống lúa Mo Hwýt, thần cho giống lúa Kay Ăm Pát, thần phù hộ lúa tốt Mo Crai, thần giữ sức khỏe Kay Vach và thần tuổi thọ, sinh sản Kay Pnang… Phần hội tái hiện 26 làn điệu đấu chiêng, 26 điệu múa và 6 thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống người Cor.

Nghệ sĩ của rừng

Hiện, tộc người Cor sống tập trung ven các dãy núi Răng Cưa, Cà Đam (giáp ranh Quảng Ngãi, Quảng Nam), được chia làm 2 nguồn chính: Tru Gôc (người Cor nước); Tru Dak (người Cor rừng khô), phân biệt rõ trong tiếng cồng chiêng. Trong cộng đồng người Cor đông đúc nhất ở huyện Trà Bồng với trên 24.000 người, hiện có nhiều nghệ nhân như: ông Hồ Ngọc An (69 tuổi, xã Trà Thủy), ông Hồ Văn Biên (64 tuổi) và ông Hồ Văn Đường (cùng xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng).

real-estate-banner-01-655.jpg

Trong đó, ông Hồ Ngọc An là người duy nhất nắm tường tận cách phục dựng không gian văn hóa Cor từ tập quán sinh thái xã hội đến tín ngưỡng. Cách đây 8 năm, ông An cũng là người tổ chức hội diễn văn hóa Cor tại Hàn Quốc. Hơn thập niên trước, ông An cũng là người hồi sinh lại không gian văn hóa Cor đã đánh mất trong thời gian dài. Vừa rồi, ông An đứng ra thành lập ra Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Cor ở Trà Thủy với 15 thành viên.

bai-2-15-4362.jpg

Ở xã Trà Sơn (huyện Trà Bồng), nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên được mệnh danh linh hồn của tiếng chiêng Cor. Ở tuổi 64, nhưng sức vóc, máu lửa trong ông Biên vẫn tràn đầy. Ông thường được mời đến nhiều trường học, chương trình để truyền dạy cồng chiêng cho các học sinh các trường.

Ông Biên kể, cồng chiêng người Cor có nét riêng là tính kể chuyện, chiến đấu. Người nghệ sĩ khi chơi chiêng không chỉ chơi loại nhạc cụ mà còn thả hồn mình vào đó, lấy tiếng chiêng để tâm sự, kể chuyện, giao tiếp với người khác. Tiếng chiêng còn để mời khách, tiễn khách, gợi tình yêu, dỗ dành con nít hoặc để tranh tài, chiến đấu thể hiện bản lĩnh người đàn ông.

Còn ở thượng nguồn Đakrông, nghệ nhân ưu tú Kray Sức (59 tuổi, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị) được mệnh danh là báu vật sống của dân tộc Pa Cô. Ròng rã 20 năm qua, ông Kray Sức vẫn miệt mài đi khắp các bản làng ở dọc dải Trường Sơn gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân để sưu tầm, ghi chép, hoàn thiện nguyên mẫu các làn điệu Pa Cô.

Cũng từ những chuyến đi ấy, Kray Sức đã sáng tác, xây dựng nhiều kịch bản múa cồng chiêng, các tiểu phẩm lồng ghép dân ca Pa Cô. Điển hình như kịch bản múa cồng chiêng “Ngày hội đoàn kết”, “Hội mùa”; các tiểu phẩm “Tìm hiểu Nghị quyết 30a”, “Ba lần quên” tuyên truyền về an toàn giao thông… Kray Sức còn dẫn dắt các nghệ sĩ Pa Cô đoạt 5 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 12 huy chương đồng, 1 bằng khen của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch...

Còn tại cao nguyên Sơn Trung (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi), các bản làng người Hrê trong cuộc mưu sinh cũng lãng quên, mai một đi nhiều bản sắc văn hóa, nghệ thuật của dân tộc mình. Nghệ nhân ưu tú Đinh Công Bôn (cựu Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung) đã cả chục năm lặn lội đến các buôn làng, kêu gọi địa phương để sưu tầm, lưu giữ các hiện vật cổ truyền dân tộc.

Sau đó, ông Bôn lập lên bảo tàng thu nhỏ tại nhà mình và không ngừng vận động các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài công để tổ chức các đêm luyện tập, hội tụ để thực hiện nhiều đợt lưu diễn văn hóa, nghệ thuật Hrê trong nước, quốc tế.

Mô hình kết nối di sản văn hóa

Mừng cơm mới của đồng bào Vân Kiều miền núi các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) vừa được ứng dụng vào Bảo tàng tỉnh để trưng bày, thực hành. Đây là mô hình mới nhất của Quảng Bình, nhằm từng bước quy hoạch lại bản sắc nhánh văn hóa người Vân Kiều.

Nhà nghiên cứu Bùi Xuân Hoàng kể: “Lễ hội hiện còn lưu giữ những nghi lễ liên quan tới vòng đời cây lúa, là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội mừng cơm mới/lúa mới của người Bru-Vân Kiều” trong hành trình du lịch di sản địa phương sẽ góp phần phát triển một cách đồng đều đời sống văn hóa, xã hội cộng đồng dân tộc Bru-Vân Kiều. Qua đó, hỗ trợ cộng đồng phát huy di sản này một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục, tập quán”.

bai-2-9-2246.jpg

Còn tại tỉnh Bình Định, từ nhiều năm trước, địa phương đã phát động chương trình hỗ trợ tất cả các bản làng dân tộc thiểu số miền núi để “hồi sinh” lại hiện vật, đạo cụ truyền thống. Từ năm 2018, địa phương đã chi 4,5 tỷ đồng để mua lại 119 bộ cồng chiêng trao cho 119 làng, thôn các dân tộc miền núi.

Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “32 làng dân tộc Ba Na ở địa bàn huyện được hỗ trợ 32 bộ cồng chiêng mới. Từ đó, bà con sinh hoạt rất hăng say, các làng đều hình thành được 1 đội cồng chiêng và 1 đội múa. Ngoài ra, các trường trung học, phổ thông nội trú cũng được hỗ trợ mỗi bộ cồng chiêng để phục vụ giảng dạy, tập luyện cho các em học sinh, thế hệ trẻ”.

bai-2-14-825.jpg

Ngược lên đại ngàn tỉnh Quảng Nam, nơi cư trú lâu đời của các dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng (Ca Dong, Xơ Teng, Mơ Nâm), Cor, Gié-Triêng (Ve, Tà Riềng, Bh nong)… Mỗi dân tộc ẩn chứa nhiều bản săc văn hóa độc đáo và nguyên thủy. Ông Bh’ling Mia, Bí Thư huyện ủy Tây Giang kể lại chặng đường gần 10 năm địa phương này quyết tâm quy hoạch, quy tụ các bản làng Cơ Tu từ núi về, giữ được các giá trị nguyên mẫu từ văn hóa, tập tục sản xuất, đời sống buôn làng.

Hiện, huyện Tây Giang đã quy tụ được 4.000 người dân, quy hoạch thành quần thể các làng Cơ Tu. Về sau, quần thể làng Cơ Tu ở Tây Giang đã trở thành di sản văn hóa độc đáo, kết hợp với các bản sắc văn hóa tinh thần, di sản hát lý, nói lý (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), dệt thổ cẩm, ẩm thực…

bai-2-12-9549.jpg

Còn tại quê hương Khởi nghĩa Ba Tơ (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), hiện có 1 cộng đồng Hrê đang gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm cổ truyền. Đó là Làng Teng (xã Ba Thành, Ba Tơ) nơi đang diễn ra không gian thổ cẩm Hrê duy nhất ở Quảng Ngãi.

Theo các cao niên làng Teng, sở dĩ dệt thổ cẩm vẫn được lưu giữ, phát triển đến nay một phần là nhờ tập tục người dân khi chết phải mang theo mình một tấm thổ cẩm hoặc nằm trong chiếc võng thổ cẩm.

Các tin khác