Vì tính địa lý đặc thù, đi kèm chút se lạnh ấy, là triều cường liếm mép chân đê. Đầu ngày, nước chồm lên mé lộ, nhưng nước trong sông thường “lên” trễ hơn một hai ngày, nên dân gian có câu: “Mười bảy nước nhảy khỏi bờ” là vậy… Cây so đũa chỉ chờ dịp này bung ra đầy những chùm bông trắng. Cái bông so đũa mà hồi còn nhỏ mỗi sáng tôi hay lấy cây khều nhánh so đũa xuống thấp chút, vừa tầm tay với để bẻ, chỉ vài bông thôi, rồi lột lớp áo lụa màu xanh trên đầu cuống bông, để nhấm chút giọt mật đọng trên đó. Chao ôi là ngọt! Và rồi, hiu hiu mùa gió bấc coi như đã chính thức bắt đầu, được gọi là bấc non hay chướng non.
Cái thời làm lúa một vụ ngày xưa, khi mùa bấc trở ngọn như thế này, là lúa cũng trở mình, vừa qua thời kỳ trổ đòng đòng, bắt đầu ngậm sữa. Chẳng bao lâu sau, lúa oằn bông, cong trái me, như sắp chạm mặt nước. Các loại cá đồng trong ao, đìa ăn bông lúa ngậm sữa nên mập ú, thịt thơm, mềm, ngon phải biết.
Hồi cha tôi chưa khuất núi, cứ mỗi hừng đông, ông châm bình trà quạu và ngồi trầm ngâm rì rầm cùng nhịp đất thở. Ông thường vặn mình qua lại than đau nhức, nhưng cũng không có gì quá lo lắng, là vì gió bấc trở trời gây nên hiện tượng trên mà thôi. Đó là miệt trên đồng, chứ đi về phía biển, gió bấc thổi vào lồng lộng, vừa lạnh, vừa da diết nhớ nhà, nhớ quê đối với những ai ly hương tìm đến đây làm ăn sinh sống. Song thổn thức hơn là bởi gối đầu lên mùa bấc non trở dạ là tết như gần kề…
Đặc trưng của mùa gió bấc ở miền Tây này là mọi thứ đều xôn xao trở mình, xôn xao chuẩn bị cho mùa vụ cuối năm để nhà nhà đều no ấm, an vui, đón một mùa xuân mới trong âm vọng của trời đất giao hòa và vạn vật tràn căng thơm nõn.
Những ai sinh ra và lớn lên ở miệt đồng bằng sông Cửu Long này, khi đi xa lâu ngày, cứ đến mùa chướng non là day dứt một nỗi niềm khó diễn tả. Cái lạnh của gió bấc làm cho lòng người như vừa bồn chồn, vừa trông ngóng một điều gì đó khó có thể đặc tả một cách cụ thể được. Để gọi tên cụ thể về phía hoài niệm trong mùa gió bấc, là điều không dễ dàng chút nào, nhưng với tôi: Một chút lạnh của cơn bấc đầu mùa, một chút sắt se của cánh đồng đêm trở gió, một chút mượt mà của mầm cây vừa nhú, hứa hẹn nẩy lộc đâm chồi vào những ngày xuân… Thẳm sâu hơn, là dáng mẹ phất phơ chiếc áo choàng mỏng manh cho một vụ rau màu để kịp góp thêm vị ngon vị ngọt trong ngày xuân; là hình ảnh cha chậm rãi đi trên bờ đìa, ông “ngắm nghía” hết họng ao này cho tới họng ao khác, cốt là để chọn vị trí đặt hầm bắt cá. Bởi không bao lâu nữa, khi cơn bấc già đồng, nước bắt đầu rút dần, cũng là lúc cá “dông mình” về ao, đìa trú ẩn, chờ mùa mưa năm sau “bơi” ra để sinh sản.
Ảnh minh họa.
Khi gió bấc vừa chớm về, cũng là lúc Nam bộ nói chung, miền Tây nói riêng, bắt đầu mùa nắng kéo dài triền miên 6 tháng. Với rừng tràm nguyên sinh U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau), khi bấc non vừa chớm, cũng là lúc tràm bắt đầu thụ phấn chéo và ra hoa, kéo dài từ tháng 10 năm này đến tận tháng 3 năm sau. Chính vì đặc điểm sinh trưởng này của cây tràm, mật được ong hút từ hoa tràm có chất lượng rất cao, vừa thơm dịu mùi hương của hoa tràm, vừa sóng sánh vàng, đậm đặc.
Gió bấc còn gọi là gió chướng, chính là gió thổi từ hướng Đông Nam, là gió nghịch mùa nên gọi là chướng. Gió bấc kéo dài qua năm và thổi mạnh nhất vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, lúc này miền Tây cũng đã hết mưa, kiệt nước. Cho nên tác động tiêu cực rõ nét nhất của gió bấc là đẩy nhanh quá trình xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng, ảnh hưởng lớn quá trình canh tác vụ mùa và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long này, từ thời khai thiên lập địa, đã quen với thổ nhưỡng và khí hậu bao đời nay rồi, nên họ đã biết cách điều tiết để thích nghi mỗi khi gió bấc tràn về, không còn là bất thường hay khó xoay trở nữa.
Thử hỏi ở miền Tây này, cứ cuối mùa mưa già, không có cái lạnh hiu hiu của cơn gió bấc se se ửng hồng đôi má thiếu nữ, còn gì để thi ca lên tiếng? Mà thi ca chính là đời sống văn hóa tinh thần đã ngấm rất sâu trong xương máu của người dân miệt này. Chính đời sống văn hóa tinh thần phong phú mới là sức mạnh góp phần cho họ tái tạo năng lượng tích cực trong cuộc sống, nhằm tạo ra nhiều của cải vật chất hơn để nâng cao đời sống vật chất của người dân nói chung, không chỉ riêng miệt châu thổ này.
Và khi mùa bấc già, là lúc các bô lão rục rịch chuyện lặt lá mai. Quanh bàn trà các cụ bàn tới bàn lui chuyện mưa nhiều mưa ít, mùa hạn năm nay đến sớm hay muộn để có cách “điều tiết” cho mai bung nụ vào đúng dịp Tết, đừng để sớm hơn hoặc trễ hơn mà mất đi tính thiêng liêng của biểu tượng đẹp trong mùa xuân phương Nam ấm áp và thanh bình. Và khi hiu hiu mùa gió bấc là lúc nam thanh nữ tú để ý nhau, để buông lời mật ong. Cái mùa gió chướng, khi cơn gió lạnh vừa duềnh lên, là lúc “người ta” bắt đầu nhớ nhung “người ta” khác, có thể họ sẽ nghĩ về mái nhà và những đứa trẻ. Những người đờn ông vạm vỡ của ruộng đồng miền Tây, tuy chất phác, thật thà, nhưng họ cũng khéo miệng lắm.
Xin mượn mấy câu ca dao đặc trưng của gió bấc mà chàng trai say tình miệt phù sa sông nước Cửu Long đã “tán tỉnh” cô gái: “Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ /Cảm thương nàng có mẹ không cha /Gió chướng lao xao khúc sông nào, sóng nấy /Xuồng em bơi giữa dòng, anh thấy anh thương”.