Tính đến sáng 1/11, thị trường có 68/100 đồng coin tăng điểm. |
Tiềm ẩn rủi ro lớn
Thông tin một nhà đầu tư một năm trước mua vào khoảng 70.000 tỷ đơn vị SHIB (memecoin Shiba Inu) với giá hơn 8.000 USD, đến cuối tháng 10/2021 đã đạt giá trị 5,63 tỷ USD; hay một nhà đầu tư bỏ ra 1.000 USD mua 27 tỷ SHIB và hiện có giá 1,4 triệu USD… đang làm giới đầu tư Việt Nam “lên đồng”.
Chưa hết, cuối tháng 10/2021, giá “vua coin” Bitcoin đã đạt kỷ lục ở mức 66.878 USD/đồng, còn Ethereum lập đỉnh mới trên 4.300 USD (2 đồng coin này chiếm 2/3 tổng giá trị vốn hóa của thị trường crypto trên toàn thế giới). Tính đến sáng 1/11, thị trường có 68/100 đồng coin tăng điểm, vốn hóa thị trường crypto tăng lên, cán mốc 2.630 tỷ USD.
Cùng với diễn biến nóng bỏng của thị trường thế giới, các nhà đầu tư Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Tiền chảy vào coin liên tục tăng, số F0 tham gia thị trường không chính thức này không hề nhỏ.
Trong cuộc khảo sát của Finder, có tới 40% số người tham gia tại Việt Nam cho biết, họ sở hữu hoặc đã mua coin. Trong một báo cáo khác, Chainalysis cho biết, các nhà đầu tư Việt Nam đã kiếm được 400 triệu USD nhờ đầu tư vào Bitcoin và Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đây mới là con số ước đoán và khảo sát trên một số người ít ỏi. Trên thực tế, rất khó để thống kê số lượng nhà đầu tư, nguồn vốn đổ vào thị trường. Nhưng rất dễ nhận ra, 2 thị trường nóng nhất trong 2 năm qua tại Việt Nam là chứng khoán và tiền điện tử. Trong đó, thị trường tiền điện tử do các tổ chức, cá nhân phát hành, khai thác như Bitcoin, Ethereum, Binance Coin, Cardano, Tether, Solana… đang tiềm ẩn những rủi ro lớn với nhà đầu tư.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giảng viên Trường Doanh nhân Bizlight, rủi ro trong đầu tư tiền điện tử được xem là lớn nhất trong các kênh đầu tư hiện nay. Tại Việt Nam, việc đầu tư giao dịch Bitcoin hay tiền ảo nói chung vẫn bị pháp luật cấm, nên đây là rủi ro lớn nhất. Chưa kể, trong quá trình giao dịch, nếu nhà đầu tư quên mất địa chỉ ví điện tử chứa tiền ảo, thì sẽ không thể lấy lại được, từ đó dẫn đến nguy cơ bị đánh cắp tài khoản ví tiền ảo.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO NextPay đánh giá, thị trường crypto lâu nay chỉ có 4 nhóm người chiến thắng. Đó là những người tạo ra các dự án crypto, các sản phẩm nền tảng phục vụ chính cho thị trường; các nhà đầu tư sớm vào các dự án tốt; các nhà đầu tư dài hạn với các dự án nền tảng lúc còn có giá thấp; và cuối cùng là khoảng 1% nhà đầu tư lướt sóng đủ kinh nghiệm và không tham lam, hiểu biết về thị trường, tỉnh táo và không có máu “cờ bạc” quá cao.
Theo ông Tuất, blockchain crypto đang thu hút dòng tiền và xã hội hóa công nghệ. Nhưng khác với làn sóng thời Dot-Com (các nhà đầu tư thuộc tầng lớp tinh hoa nhiều hơn là bình dân, dân nghèo), blockchain crypto hút tiền của giới bình dân, dân nghèo trước rồi tầng lớp tinh hoa mới gia nhập. Không phủ nhận rằng, đã có hàng triệu triệu phú được sinh ra, nhưng cũng có hàng trăm triệu người khác nghèo đi, nợ nần, tự tử, trầm cảm...
“Hiện Chính phủ vẫn chưa công nhận tiền ảo là tài sản, hàng hóa, hay là một phương tiện thanh toán. Chỉ đến khi loại tiền này được công nhận, mới có thể thay đổi thói quen của người dùng, chuyển đổi từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán số và chuyển sang tiền ảo. Trên thị trường hiện nay, có hàng trăm ngàn đồng coin khác nhau với mục đích đầu cơ, gây ra rủi ro cho người nắm giữ”, ông Đinh Hồng Sơn, chuyên gia tài chính số nhận xét.
Nghiên cứu tiền kỹ thuật số do Nhà nước phát hành
Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được Thủ tướng giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.
Theo TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), Phó chủ tịch Câu lạc bộ Fintech (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), tiền kỹ thuật số là một xu thế phát triển tất yếu. Nhiều nước đã thử nghiệm, nghiên cứu việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số để thay thế dần tiền giấy truyền thống. Khi đó, tiền kỹ thuật số sẽ là đồng tiền pháp định của Nhà nước phát hành, chứ không phải là các đồng coin đào trên mạng.
Ông Tuấn cho rằng, trên công nghệ bkockchain, đồng tiền kỹ thuật số có thể được áp dụng trong các hợp đồng thông minh (Smart Contract); mở ra các dịch vụ tiện ích thông minh mới mà đồng tiền giấy khó có thể làm được. Ngoài ra, đồng tiền kỹ thuật số cũng giúp kiểm soát tốt hơn vấn đề tiền giả, các hoạt động vi phạm khác như rửa tiền, tài trợ khủng bố…
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, sức hút của đầu cơ tiền kỹ thuật số là rất lớn, nhưng cũng nhiều rủi ro (như chưa được công nhận chính thống, rủi ro pháp lý, rủi ro kỹ thuật và mất tiền, rủi ro phục vụ các hoạt động phi pháp). Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia cần có cách tiếp cận phù hợp và hợp tác quốc tế trong công nhận (nếu có), quản lý, giám sát các loại tiền kỹ thuật số này.
Đối với tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), theo ông Lực, bản chất tiền kỹ thuật số có chủ quyền quốc gia là hình thức “điện tử hóa” dạng vật chất của tiền mặt, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, vẫn có thể tạo dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác.
Đồng CBDC thúc đẩy thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại nhờ sự thuận tiện, an toàn, tin cậy cao, chi phí thấp, hạn chế rủi ro của việc dùng tiền mặt, với chi phí phát hành và lưu thông cao, rủi ro kiểm đếm, tiền giả, không đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện môi trường.
Ngoài ra, đồng CBDC còn nâng cao vị thế của đồng tiền pháp định trong nước, gia tăng sức mạnh khi được tương thích với các hệ thống thanh toán xuyên biên giới; hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số.
Theo khuyến nghị của chuyên gia Cấn Văn Lực, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với bước đi phù hợp, nhưng không nên quá bảo thủ, quá thận trọng đến mức cản trở tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Khi mở ra, tiền kỹ thuật số có thể sử dụng cho mọi giao dịch, nhưng nên bắt đầu thí điểm giao dịch nhỏ lẻ ở một số thành phố, qua một số ngân hàng, sau đó mới nhân rộng.
+ Trên thế giới hiện nay có hơn 60 ngân hàng trung ương các nước đã tiến hành nghiên cứu CBDC và có một số nước đã triển khai CBDC trong thực tế. + Thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện của hơn 4.700 loại tiền kỹ thuật số khác nhau, với tổng giá trị vốn hóa hơn 2.630 tỷ USD. |