Các điểm du lịch vùng cao của Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng thu hút du khách. Hà Giang, Sa Pa, Cao Bằng… trở thành những cái tên quen thuộc với du khách muốn khám phá văn hóa vùng cao phía Bắc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, một số điểm du lịch vùng cao cũng đang phải đối mặt với vấn đề khai thác và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống bản địa, bắt đầu từ chính câu chuyện tưởng chừng như rất nhỏ: trang phục dân tộc truyền thống du khách mặc để check-in, chụp ảnh…
Khu du lịch bản Cát Cát được mệnh danh là ngôi làng người Mông đẹp nhất Tây Bắc. Nhiều du khách chọn khoác lên mình trang phục Mông Cổ, Miêu Cương. Lý do chọn trang phục cũng muôn hình vạn trạng.
Tâm lý đủ đẹp để check-in là được nên trang phục dân tộc nào, nguồn gốc từ đâu là những tiêu chí dễ bị triệt tiêu. Khu du lịch cũng không có quy định bắt buộc du khách phải mặc cái này, mà không được mặc cái kia.
Việc thuê mướn trang phục dân tộc ngoại lai đơn giản, bởi cung cầu liên thông. Dọc đường xuống khu du lịch bản Cát Cát, hay ngay trong khu du lịch, hàng loạt các cửa hàng với số lượng trang phục Mông Cổ, Miêu Cương… lấn át trang phục đồng bào bản địa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách.
"Hai năm nay, concept đồ Mông Cổ, trang phục Miêu rất được săn đón vì dễ chụp ảnh", anh Trần Minh Anh, chủ cơ sở cho thuê trang phục, chia sẻ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận vẫn có nhiều du khách nặng lòng với văn hóa bản địa, vì văn hóa bản địa mà đến, nhưng để những giá trị văn hóa bản địa này đi xa hơn, việc bắt đầu từ chính những bộ trang phục truyền thống gần gũi là nên làm, bởi đó không chỉ là quần áo, còn là hồn cốt dân tộc.