Sự khác biệt về tay nghề đó cũng như cái tâm giữ nghề truyền thống điêu khắc gỗ đang sôi sục trong Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc (thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, TP Hà Nội).
Nối nghề cha ông
Thôn Nhân Hiền vốn là một làng nhỏ, nằm ven kinh thành Thăng Long xưa. Không rõ nghề điêu khắc xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng từ đời cụ nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã rất thành thạo nghề. Nhiều thợ giỏi của làng được mời vào kinh thành điêu khắc những bức tượng lớn, thờ ở những ngôi chùa cổ, linh thiêng. Thừa hưởng truyền thống nghề của cha ông, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã được tiếp xúc với điêu khắc ngay từ nhỏ, nhưng lúc đó ông còn ở “tuổi ăn tuổi chơi”, nghề điêu khắc tượng Phật không phát triển lắm, nên chỉ học để biết chứ chưa xác định sẽ sống chung với nghề. Nhập ngũ năm 1980 khi tròn 18 tuổi, Nguyễn Văn Trúc hoàn thành nghĩa vụ quân sự rồi quay về quê hương Nhân Hiền bắt đầu tìm nghề mưu sinh. Lúc đó nghề điêu khắc chưa phát triển nhưng ông vẫn quyết tâm theo nghề với mục đích “chấn hưng lại làng nghề cũng như làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”. Giai đoạn đầu, ông Trúc vừa học vừa làm, rất may trong làng vẫn còn những nghệ nhân tay nghề cao lại rất nhiệt tình truyền dạy như cụ Nguyễn Văn Thềm, Trần Văn Bình. Bên cạnh học nghề tại làng, chàng thanh niên Nguyễn Văn Trúc lúc đó còn tự đi khắp các chùa cổ ở Bắc bộ để nghiên cứu, tìm hiểu lối điêu khắc phong phú, đa dạng của người xưa. Thời gian đầu không tránh khỏi những khó khăn, nguyên liệu gỗ mít khá khó mua và đắt, phải nhập từ Lào về trong khi không phải cây nào cũng dùng được. Có những khối đã tạc gần xong mới phát hiện trong thân có vết không thể dùng được phải bỏ đi. Nhiều lúc ông Trúc rơi vào khủng khoảng bởi chưa biết cách bảo quản nguyên liệu thô. Nhưng dần dần ông cũng biết cách chọn gỗ, cách bảo quản để cho những khúc gỗ thô kệch cũng trở thành những tác phẩm nghệ thuật lớn.
Xưởng chế tác của nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc.
Năm 1989, ông Trúc chính thức khởi nghiệp mở xưởng điêu khắc tượng Phật, thuê công nhân ở làng về làm. Do nghề lúc đó không phổ biến nên không mấy thanh niên biết nghề, ông lại “cầm tay chỉ việc” vừa làm vừa đào tạo từng thợ một. Ban đầu chỉ có vài người, ai nấy cũng “lóng ngóng” nhưng ông tin tưởng nếu yêu nghề khi vượt qua điểm xuất phát sẽ đi lên mạnh mẽ. Kinh tế mở cửa, đời sống người dân đầy đủ hơn, vì vậy tượng Phật để thờ cũng như tượng để cảnh nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Đặc biệt có cả những khách hàng từ Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản… Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc, điêu khắc tượng Phật khác hẳn đồ gia dụng, người thợ phải có cái tâm sáng, khi thanh tịnh người thợ mới có duyên truyền được nét thần thái vào bức tượng, đặc biệt ở đôi mắt, phải làm sao cho bức tượng như đang được chính nhân vật hóa thân vào. Tiếng lành đồn xa, nhiều chùa chiền trên cả nước về Nhân Hiền đặt hàng ông Trúc với nhiều loại tượng khác nhau. Nhưng có một điểm chung các đơn đặt hàng của ông thời gian giao hàng bao giờ cũng lâu hơn một chút. Lý do bởi ông luôn tâm niệm, mỗi bức tượng mình làm ra phải được chăm chút tỉ mỉ nhất, đó không chỉ là bức tượng giao cho khách để lấy tiền mà còn là tâm huyết, tấm lòng của người nghệ nhân, nắm bắt đưa cái hồn vào trong tác phẩm. Tuy thời gian giao hàng lâu hơn các nơi khác nhưng không bao giờ sai hẹn, đối với ông chữ Tín luôn được đặt lên hàng đầu. Chữ Tín được thể hiện ở chỗ chất lượng sản phẩm, tính nguyên mẫu, giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật, làm sao khi bức tượng được thờ sẽ tạo được sự lôi cuốn, có sức sống đối với người bái ngưỡng.Nỗ lực truyền nghề
Bức tượng nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc tâm đắc nhất đến nay chính là bức Phật Thích Ca an vị đặt tại chùa Đỏ (Hải Phòng), đây là bức tượng Phật gỗ lớn nhất Việt Nam, cao tới 8,4m, rộng 6m, trong đó thân tượng cao 5,4m, rộng 4,4m và dầy 3,8m, hoàn toàn bằng gỗ mít. Tác phẩm này được ông hoàn hiện trong gần 1 năm, tiêu tốn 60 khối gỗ và có sự giúp sức của 10 thợ phụ. Một tác phẩm nữa ông hết sức coi trọng đó là chế tác tượng 5 vị vua đầu triều Mạc năm 2010. Đây là đơn đặt hàng của Hội đồng gia tộc họ Mạc ở Hải Dương. Khó khăn khi chế tác 5 vị vua đầu triều Mạc đó là chưa có mẫu tượng chính thức về các vua, nghệ nhân phải tự tìm hiểu tính cách, phong thái của từng vị vua qua tài liệu lịch sử, sau đó đắp tượng đất sét mô phỏng, tìm hiểu kỹ nghệ thuật điêu khắc thời Mạc mới bắt tay tạc.
Bức tượng nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc tâm đắc nhất đến nay chính là bức Phật Thích Ca an vị đặt tại chùa Đỏ (Hải Phòng), đây là bức tượng Phật gỗ lớn nhất Việt Nam, cao tới 8,4m, rộng 6m, trong đó thân tượng cao 5,4m, rộng 4,4m và dầy 3,8m, hoàn toàn bằng gỗ mít. Tác phẩm này được ông hoàn hiện trong gần 1 năm, tiêu tốn 60 khối gỗ và có sự giúp sức của 10 thợ phụ. Một tác phẩm nữa ông hết sức coi trọng đó là chế tác tượng 5 vị vua đầu triều Mạc năm 2010. Đây là đơn đặt hàng của Hội đồng gia tộc họ Mạc ở Hải Dương. Khó khăn khi chế tác 5 vị vua đầu triều Mạc đó là chưa có mẫu tượng chính thức về các vua, nghệ nhân phải tự tìm hiểu tính cách, phong thái của từng vị vua qua tài liệu lịch sử, sau đó đắp tượng đất sét mô phỏng, tìm hiểu kỹ nghệ thuật điêu khắc thời Mạc mới bắt tay tạc.
“Tôi đã thức trắng nhiều đêm để hình tượng dung mạo các vị vua, sau đó tạc làm sao để toát ra được tính cách, tâm hồn của từng vị vương. Đây có thể nói là tác phẩm để đời của tôi” - ông Trúc hào hứng chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đang tỉ mỉ tạc tượng.
Với những gì đã cống hiến, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc được nhiều cấp, ngành địa phương và Trung ương khen thưởng, biểu dương. Nổi bật có chứng nhận Giải Bàn tay vàng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân do Chủ tịch nước trao tặng năm 2016. Nhưng đối với ông, “giữ được công ăn việc làm cho anh em, con cháu, thổi hồn vào tác phẩm của mình, cũng như giữ được cái tâm sáng khi làm nghề mới là điều quan trọng nhất”. Làng nghề điêu khắc Nhân Hiền được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề truyền thống năm 2005, nhưng số lượng hộ theo nghề chưa đến 1/3. Đau đáu với điều đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc luôn động viên con cháu trong họ cũng như thanh niên trong làng theo nghề, gìn giữ và phát triển làng nghề. Ông luôn sẵn sàng dạy miễn phí cho từng người nếu có lòng đam mê. Đến nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã truyền nghề cho trên 200 người, trong đó có nhiều người là nữ, không ít người đã mở xưởng tại các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang… Tại Nhân Hiền, có anh Hoàng Văn Kế là học trò ưu tú nhất của ông, cũng đã được phong Nghệ nhân Hà Nội năm 2015. Anh Kế tâm sự: “Nhờ thầy Trúc bây giờ tôi có nghề và có thể làm giàu bằng nghề. Thầy chỉ dạy tận tình cho tôi từng kỹ thuật nhỏ nhất, có nhiều đêm 2 thầy trò thức trắng đục tượng, mải mê với tác phẩm làm ra. Sau này nhất định tôi cũng sẽ truyền dạy lòng đam mê và lửa nghề cho lớp trẻ giống như thầy đã dạy cho tôi”. Hiện tại, xưởng của ông Trúc đang có trên 30 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/tháng, trong đó 1/3 là lao động nữ. Ông cũng kích thích động viên thợ giỏi bằng việc khoán sản phẩm cho mỗi người, nếu làm được các tác phẩm khách hàng ưng ý, thu nhập cao thấp sẽ từ đó mà ra. Ước vọng tương lai, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc nhen nhóm việc thành lập Hội làng nghề điêu khắc gỗ của thôn Nhân Hiền để giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế gia đình, lưu giữ nghề truyền thống, đồng thời tạo ra tiếng nói mạnh hơn để xây dựng được thương hiệu làng nghề truyền thống vững chắc, đưa sản phẩm bước ra các triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước.