Giữa bão tranh cãi, Cơ quan quản lý Thụy Sĩ lên tiếng bảo vệ quyết định xóa sổ 17 tỷ USD trái phiếu Credit Suisse

Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã bảo vệ quyết định gây tranh cãi của mình về việc xóa sổ 17 tỷ USD trái phiếu của Credit Suisse nhưng dành một số ưu tiên cho các cổ đông như một phần của thỏa thuận giải cứu Credit Suisse.
Giữa bão tranh cãi, Cơ quan quản lý Thụy Sĩ lên tiếng bảo vệ quyết định xóa sổ 17 tỷ USD trái phiếu Credit Suisse

FINMA cho biết, họ đã nhận được rất nhiều câu hỏi về quyết định của mình đối với trái phiếu nhưng sẽ không thay đổi lập trường.

Động thái được thực hiện vào ngày 19/3 khiến khoản đầu tư vào trái phiếu trị giá 16 tỷ SFr (17 tỷ USD) của các trái chủ trở nên vô giá trị. Điều này cũng trở thành một trong những yếu tố gây tranh cãi nhất của việc UBS tiếp quản Credit Suisse mà chính quyền Thụy Sĩ đóng vai trò trung gian.

Các trái chủ tức giận trước quyết định này và cho biết sẽ kiện chính phủ Thụy Sĩ và FINMA về vấn đề này.

Trong tuyên bố đầu tiên về thỏa thuận kể từ cuối tuần qua, FINMA cho biết hôm thứ Năm (23/3) rằng, tất cả các nghĩa vụ hợp đồng và pháp lý đã được đáp ứng để hành động đơn phương do tình hình cấp bách.

“Vào Chủ nhật, một giải pháp đã được tìm ra để bảo vệ khách hàng, trung tâm tài chính và thị trường. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là hoạt động kinh doanh ngân hàng của Credit Suisse tiếp tục hoạt động trơn tru và không bị gián đoạn”, Urban Angehrn, Giám đốc điều hành của FINMA cho biết.

Phát biểu với báo chí hôm thứ Năm (23/3), Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) Thomas Jordan lập luận rằng, việc UBS tiếp quản là lựa chọn duy nhất cho Credit Suisse, vì việc chính phủ tiếp quản và ổn định ngân hàng có nguy cơ xảy ra khủng hoảng hệ thống.

“Về lý thuyết, điều đó có thể giải quyết được trong những trường hợp bình thường, nhưng chúng tôi đang ở trong một môi trường cực kỳ mong manh với sự lo lắng rất lớn trên thị trường tài chính nói chung. Giải pháp trong những trường hợp đó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn, không chỉ ở Thụy Sĩ mà trên toàn cầu”, ông Thomas Jordan cho biết.

“Điều đó sẽ không có tác dụng ổn định tình hình mà ngược lại sẽ tạo ra sự không chắc chắn to lớn. Rõ ràng là chúng ta nên tránh nó nếu có bất kỳ khả năng nào khác”, ông cho biết thêm.

Điểm mấu chốt của cuộc tranh cãi là quyết định của cơ quan quản lý - được đưa ra cùng với SNB và Bộ tài chính Thụy Sĩ - nhằm bảo toàn một phần tài sản cho các cổ đông của Credit Suisse.

FINMA cho biết, các trái phiếu cấp 1 (AT1) được đề cập thể hiện rõ ràng trong hợp đồng rằng chúng sẽ “bị xoá sổ hoàn toàn trong một sự kiện khả thi, và đặc biệt nếu nhận được hỗ trợ đặc biệt của chính phủ”. Điều này cho phép cơ quan quản lý ưu tiên những người nắm giữ cổ phiếu trước những người nắm giữ trái phiếu AT1.

AT1 là một loại công cụ trái phiếu hỗn hợp được tạo ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để giúp các ngân hàng linh hoạt hơn về vốn trong trường hợp khủng hoảng.

Là một phần của thỏa thuận mua lại của UBS, ngân hàng kết hợp sẽ nhận được 9 tỷ SFr bảo lãnh của chính phủ và 100 tỷ SFr thanh khoản từ SNB.

FINMA cho biết thêm, một sắc lệnh khẩn cấp bổ sung của chính phủ ban hành vào ngày 19/3 vừa qua đã khẳng định thêm quyền đưa ra quyết định đối với các yếu tố trong cơ cấu vốn của ngân hàng theo luật Thụy Sĩ.

“Các công cụ ở Thụy Sĩ được thiết kế theo cách mà chúng bị xoá sổ hoặc chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu trước khi vốn tự có của ngân hàng liên quan được sử dụng hết hoặc biến mất”, FINMA cho biết, đồng thời chỉ ra rằng trái phiếu là được thiết kế để sử dụng cho các nhà đầu tư tổ chức tinh vi vì tính chất hỗn hợp rủi ro của chúng.

Trong khi đó, Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan và Pallas Partners là một trong số các công ty luật đại diện cho các trái chủ đã cam kết chống lại quyết định của Thụy Sĩ.

Các tin khác