Vừa qua, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) có chất vấn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp, chương trình, kế hoạch gì để định hướng, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp chủ động ứng phó, vượt qua những thách thức khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại Thế giới.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Bùi Thanh Tùng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, một trong những đặc điểm chính của hợp tác kinh tế – thương mại quốc tế trong thời gian gần đây là việc xuất hiện của những mối liên kết hợp tác kinh tế mới và sự phát triển mạnh của các xung đột thương mại ở cấp độ song phương, khu vực và thậm chí là cả khuôn khổ đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong bối cảnh phức tạp và khó lường đó, Việt Nam là một trong số ít nước vẫn duy trì quyết tâm mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới trên cơ sở các nguyên tắc phù hợp với đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, mà kết quả rõ nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua và có hiệu lực vào tháng 1 năm nay.
Đến giữa năm, lại có thêm một thông tin tích cực nữa về việc thực hiện các chủ trương của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05 tháng 11 năm 2016 của Ban chấp hành Trung ương đảng về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (Nghị quyết số 06) là việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Như vậy, không chỉ có một mà đến hai hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” được Việt Nam tham gia, góp phần thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi với một số nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại rất nhiều kỳ vọng cho Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định CPTPP sẽ giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035.
Trong khi đó, Hiệp định EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023) và lên tới 7,07-7,72% trong giai đoạn 2029-2033; và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 44,37% vào năm 2030. Cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt đối với Hiệp định EVFTA khi Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.
Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 121/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2019 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP. Quyết định đã xác định rõ những công việc cụ thể nhằm triển khai việc thực thi Hiệp định CPTPP, trong đó xác định rõ nội dung công việc, cơ quan chủ trì, phối hợp, sản phẩm và thời gian hoàn thành công việc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan cấp trung ương và địa phương đã xây dựng kế hoạch thực thi Hiệp định CPTPP của riêng mình (tính đến thời điểm ngày 9 tháng 7 năm 2019, đã có 23 Bộ, ngành, cơ quan trung ương và 55 cơ quan cấp địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của mình).
Tại Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và nâng cao tính cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực (nội dung cụ thể của kế hoạch được đăng tải trên chuyên trang về CPTPP do Bộ Công Thương quản lý tại địa chỉ: http://cptpp.moit.gov.vn).
Nhằm hiện thực hóa các kỳ vọng và giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó, vượt qua các thách thức trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, trong thời gian vừa qua, các cơ quan cấp trung ương, địa phương đã bám sát Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Chính phủ để tổ chức nhiều các hội thảo, hội nghị, tọa đàm nhằm phổ biến thông tin về hiệp định và thị trường của các nước thành viên trong các Hiệp định.
Các hội thảo, hội nghị được tổ chức theo ngành, theo khu vực như Hội nghị về Hiệp định CPTPP cho các tỉnh Đông Bắc Bộ tập trung vào nội dung thu hút đầu tư từ các nước thành viên CPTPP, Hội thảo về Hiệp định CPTPP cho các tỉnh Tây Nguyên được tổ chức tại Lâm Đồng, trong đó tập trung vào đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, hoặc hội thảo với nội dung chuyên sâu về thị trường từng nước thành viên CPTPP.
Bộ Công Thương – với vai trò là đầu mối thông tin về các hiệp định thương mại tự do nói chung – đã tích cực cung cấp thông tin và giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực thi các hiệp định thông qua kênh trực tiếp như các buổi tập huấn hay qua phương tiện điện tử, ngoài ra, công tác dự báo thị trường cũng được chú trọng thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng đã xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp…
Trong thời gian tới, trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của 02 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương sẽ tiếp tục tích cực và chủ động bám sát Nghị quyết số 06 nói chung và Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định CPTPP nói riêng, sắp tới là Hiệp định EVFTA, để định hướng, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp chủ động ứng phó vượt qua các thách thức.