Nguyên đơn cho rằng, sau khi áp thuế với mặt hàng của Trung Quốc, các nhà sản xuất Trung Quốc đã chuyển các phần của sản phẩm này sang Việt Nam để thực hiện việc lắp ráp và tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ. Nguyên đơn cáo buộc các nhà máy lắp ráp sản phẩm gỗ dán cứng tại Việt Nam và nhà máy sản xuất tại Trung Quốc là các công ty liên kết, thực hiện hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc.
Do đó, nguyên đơn đề nghị DOC khởi xướng điều tra, xác định tồn tại hành vi lẩn tránh và áp dụng biện pháp trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện, yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp với tất cả các nhà xuất khẩu sản phẩm bị cáo buộc của Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 1-2018, DOC đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cũng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 183,36%; mức thuế chống trợ cấp là 22,98% - 194,9%.
Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm nhanh chóng, từ khoảng 800 triệu USD năm 2018 xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019. Trong khi sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam lại tăng lên nhanh chóng, từ 63 triệu USD năm 2017 lên 187 triệu USD năm 2018 và 309 triệu USD năm 2019.
Để tháo gỡ việc này, Cục Phòng vệ thương mại cho biết sẽ tổ chức họp vào ngày 5-3 để tìm hướng xử lý. Nhằm ứng phó kịp thời với vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam hỗ trợ thông báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan của Việt Nam để chủ động xử lý.
Trước mắt, các doanh nghiệp cần khẩn trương xem xét các quan điểm, ý kiến đối với các nội dung trong đơn kiện của nguyên đơn và sớm gửi Bộ Thương mại Mỹ. Trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra, các doanh nghiệp cần xem xét tham gia và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nhằm đảm bảo kết quả tích cực trong vụ việc.