Gỡ khó cho ngành đường sắt

(ĐTTCO) - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa dự báo, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết quả sản xuất kinh doanh năm nay sẽ lỗ hơn 616 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục gặp khó khăn, không cân đối được thu chi. 
Ngành đường sắt càng khó hơn bởi những vướng mắc phát sinh từ khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMCS) chưa được giải quyết, trong khi Bộ GTVT từ chối nhận lại doanh nghiệp (DN) này. 
Thu không đủ bù chi
Theo Tổng công ty ĐSVN, mặc dù đã rất nỗ lực đẩy mạnh vận tải hàng hóa trong thời gian diễn ra dịch bệnh, đặc biệt là tận dụng lợi thế để xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, tuy nhiên, doanh thu của ngành đường sắt vẫn hết sức bết bát. 
Dự kiến, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN vận tải đường sắt năm 2020 chỉ đạt doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 35,6% so với năm 2019. Với kết quả này, DN sẽ lỗ hơn 616 tỷ đồng. Để giảm bớt khó khăn cho các DN, Tổng công ty ĐSVN vừa kiến nghị Nhà nước miễn trích nộp ngân sách phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cả năm, ước khoảng 214 tỷ đồng.
Gỡ khó cho ngành đường sắt ảnh 1 Xe lửa qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Ảnh: CAO THĂNG
Đồng thời, kiến nghị xem xét miễn, giảm khoảng 7,4 tỷ đồng tiền thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho ngành vận tải đường sắt. Tuy nhiên, những đề xuất này chỉ mang tính tức thời, giải quyết những khó khăn trước mắt của ngành, giúp DN duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch, đảm bảo việc làm cho người lao động. Thực tế, ngành đường sắt còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, hiện các bộ ngành đang tìm cách tháo gỡ thế “kẹt” cho Tổng công ty ĐSVN, bởi việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước khiến việc giao dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư không thể thực hiện, do trái với những quy định hiện hành của Luật NSNN. Được sự đồng ý của Chính phủ, trước mắt, trong năm 2020, việc giao dự toán ngân sách cho Tổng công ty ĐSVN sẽ vẫn triển khai như các năm trước, để đảm bảo an toàn chạy tàu. Từ năm 2021 trở đi, ngành đường sắt sẽ phải thực hiện theo các quy định chung như các DN khác. 
Khó khăn trước mắt đã được tháo gỡ, tuy nhiên ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMCS, nhận định, đó chỉ là vấn đề nhất thời, khó khăn thực sự của ngành vẫn là chất lượng hạ tầng, công nghệ khai thác quá lạc hậu, thị phần sụt giảm do không cạnh tranh được với đường bộ, đường hàng không về vận tải hành khách; không cạnh tranh được với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa. Khó khăn còn xuất phát từ tư duy bao cấp, độc quyền, chậm đổi mới và trình độ, kỹ năng quản trị kinh doanh của đội ngũ nhân sự trong ngành. 
Hướng đi nào cho đường sắt?
So với các DN khác, Tổng công ty ĐSVN có lợi thế hơn khi không chỉ kinh doanh thuần túy mà còn quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư. Khoảng 1/3 doanh thu hàng năm và 1/2 việc làm của hơn 10.000 lao động của DN này đến từ việc quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, với nguồn NSNN khoảng 2.800 - 3.000 tỷ đồng/năm.
Trước những ý kiến cho rằng, cách tháo gỡ thế kẹt (do chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước sang CMCS) cho ngành đường sắt nhanh nhất là cho quay trở lại Bộ GTVT. Thế nhưng, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, không đồng ý nhận lại DN này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, nếu đưa Tổng công ty ĐSVN về lại Bộ GTVT, đồng nghĩa với việc không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DN nhà nước. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMCS, cũng cho rằng, vấn đề của Tổng công ty ĐSVN không phải là thuộc cơ quan nào, mà xuất phát từ hạn chế nguồn lực đầu tư; bất cập trong cơ chế quản lý, mô hình hoạt động. Trong khi đó, cơ chế tạo điều kiện cho DN tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa có.
Do đó, CMSC đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương triển khai lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định rõ loại hình, vai trò, vị trí, quy mô, định hướng khai thác… ngành đường sắt. Đặc biệt, phải xác định rõ năng lực đáp ứng nhu cầu vận tải của ngành, khả năng kết nối đường sắt với các loại hình vận tải khách, với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước để có sự đầu tư phù hợp. CMCS cũng đề xuất, phải có giải pháp để phát triển hệ thống nhà ga, công trình thương mại, dịch vụ, xây dựng cơ chế giúp đường sắt phát huy tiềm năng. 
Bên cạnh đó, cần sớm phê duyệt Đề án Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư. Hiện, đề án đang được Bộ GTVT xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, đề xuất Chính phủ giao Tổng công ty ĐSVN quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính thành phần vốn nhà nước tại DN đến năm 2025.
Sau thời hạn trên, giao Bộ GTVT tổng kết đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc chuyển tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia cho cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt quản lý, sử dụng. Cũng tại đề án này, Bộ GTVT đề xuất giao một số tài sản như nhà ga, kho hàng, bãi hàng, tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát cho Tổng công ty ĐSVN theo hình thức tính thành vốn nhà nước đầu tư tại DN, tạo thuận lợi cho DN hoạt động.

Các tin khác