Gỡ nút thắt cổ phần hóa cách nào?

Thực tế, trong quá trình cổ phần hóa, có một số vấn đề dẫn đến khó khăn, chậm trễ, đòi hỏi phải có các hướng dẫn, quy định cụ thể, đồng thời có các chế tài mạnh để xử lý.

Thực tế, trong quá trình cổ phần hóa, có một số vấn đề dẫn đến khó khăn, chậm trễ, đòi hỏi phải có các hướng dẫn, quy định cụ thể, đồng thời có các chế tài mạnh để xử lý.

Những nút thắt

 

Thứ nhất, các doanh nghiệp thường tồn tại một số vần đề mặt tài chính, các tồn tại này cần phải được xử lý để lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư mới tham gia vào doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, những tồn tại về mặt tài chính không dễ dàng được xử lý, cần phải có nhiều thời gian để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thậm chí không thể xử lý được, trong trường hợp này, doanh nghiệp giảm tính hấp đối với các nhà đầu tư, dẫn đến việc cổ phần hóa không thành công.

Thứ hai, tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược có ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của việc cổ phần hóa. Nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp thường mong muốn tham gia vào quá trình điều hành hoặc kiểm soát doanh nghiệp, muốn vậy thì các nhà đầu tư phải mua một lượng cổ phiếu đủ lớn, thậm chí là mua cổ phần chi phối.

Nhưng ngoài các doanh nghiệp mà Nhà nước phải nắm giữ cổ phần chi phối, thì có không ít trường hợp doanh nghiệp không cần Nhà nước nắm giữ cổ phần vẫn có phương án cổ phần hóa để tỷ lệ sở hữu nhà nước chi phối, nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp, việc này làm giảm mức độ thành công khi IPO.

Thứ ba, trong quá trình cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của đợt bán cổ phần, tuy nhiên theo quy định hiện nay, nhà đầu tư chiến lược chỉ được mua tối đa 50% số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài.

Đây cũng là hạn chế ảnh hưởng đến quyết định mua cổ phần của nhà đầu tư chiến lược, làm ảnh hưởng đến mức độ thành công của các đợt chào bán cổ phần hóa. Các trường hợp khác đều cần xin chủ trương đặc thù, riêng biệt của Thủ tướng Chính phủ, đó cũng là hạn chế, gây chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa.

Cần hoàn thiện khung pháp lý và tăng chế tài

Về khung pháp lý liên quan đến cổ phần hóa, những vấn đề cần ưu tiên xử lý khá nhiều. Trước hết, cần có quy định chi tiết hơn nữa về cơ cấu vốn cổ phần, sở hữu nhà nước, tỷ lệ đối tác chiến lược cũng như tỷ lệ bán đấu giá khi cổ phần hóa trong đó theo hướng mở và có gắn kết chặt chẽ với Quyết định 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/6/2014.

Đồng thời, cần có hướng dẫn, quy định cụ thể với các khoản công nợ không có khả năng thu hồi, nợ xấu và các tồn tại tài chính, bởi hiện nay việc xử lý nợ, dự phòng giảm giá hàng tồn kho đều được áp dụng theo quy định về chế độ, chuẩn mực kế toán, mà chưa có cơ chế riêng cho những tồn tại khi thực hiện cổ phần hóa.

Hiện nay, công tác tính toán chế độ cho người lao động dôi dư và các mẫu biểu liên quan đang được vận dụng thực hiện theo Thông tư số 38/2010/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 91/2010/NĐ-CP quy định về lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, Nghị định này đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 63/2015/NĐ-CP. Do đó, cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết về cách tính chế độ đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 63/2015/NĐ-CP.

Đối với trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp cố tình làm chậm tiến độ cổ phần hóa, cần phải có các chế tài mạnh để xử lý. Bên cạnh đó, việc chậm trễ tiến độ cổ phần hóa cũng có thể xuất phát từ việc phê duyệt các vấn đề có liên quan đến cổ phần hóa của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với trường hợp này, cần phải có quy định về thời gian trả lời, phê duyệt của cơ quan quản lý, có chế tài đối với nhân sự có liên quan phụ trách cổ phần hóa tại các cơ quan quản lý nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hồ sơ, trả lời các vấn đề liên quan đến công tác cổ phần hóa, các nội dung trả lời phải cụ thể, đúng trọng tâm để doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện.

Kinh nghiệm thành công

Với những trường hợp thành công, theo quan sát, chúng tôi thấy rằng, khi các lãnh đạo doanh nghiệp cởi mở, chào đón các nhà đầu tư, có kế hoạch và chiến lược tiếp xúc nhà đầu tư ngay từ khi bắt đầu có chủ trương cổ phần hóa đến khi thực hiện chào bán, thì việc cổ phần hóa sẽ hiệu quả, đạt kết quả cao.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cổ phần hóa, các Ban chỉ đạo và cơ quan quyết định cổ phần hóa mạnh dạn trong xử lý tài chính với định hướng, mục tiêu hình thành nên công ty cổ phần sau khi cổ phần hóa sẽ lành mạnh về tài chính, tinh gọn về lao động, đồng thời quyết liệt hơn về tỷ lệ chào bán ra bên ngoài thì đợt chào bán thường có tỷ lệ thành công rất cao.

Một yếu tố nữa mà nhà đầu tư rất quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, đó là tính minh bạch. Trong quá trình cổ phần hóa, các doanh nghiệp minh bạch về thông tin, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn và các cơ quan quản lý nhà nước, cởi mở với nhà đầu tư thường thành công trong quá trình cổ phần hóa.

Khi có các vấn đề cần xử lý trong quá trình cổ phần hóa, dưới sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà tư vấn và cơ quan quản lý nhà nước, sẽ đẩy nhanh được tiến độ cũng như hiệu quả của việc xử lý các vấn đề tồn tại. Doanh nghiệp cần chủ động nêu các vấn đề và kiến nghị các biện pháp đến các cơ quan quản lý đề được xử lý kịp thời.

Các tin khác