Và Thủ tướng cũng cam kết, đối với vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ chỉ đạo giải quyết một cách nhanh nhất có thể. Chính phủ sẽ phối hợp với TPHCM và các cơ quan liên quan đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng gợi mở, với nguồn ngân sách tăng thêm, TPHCM cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.
Thực ra ngân sách TPHCM được giữ lại để đầu tư phát triển bắt đầu gây tranh cãi từ năm 2017. Bởi từ năm 2000 tỷ lệ ngân sách được giữ lại là 33%, nhưng chỉ còn 18% trong giai đoạn 2017-2020.
Trong khi đó cùng là thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng Hà Nội tỷ lệ ngân sách để lại tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng giảm từ 100% còn 78%...
Đây là một trong những lý do khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố so với bình quân cả nước đang giảm. Nếu giai đoạn 2001-2010 con số này bằng 1,6 lần cả nước, thì đến giai đoạn 2011-2019 chỉ bằng 1,2 lần. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của TPHCM vào ngân sách cả nước ngày càng tăng, từ 26,5% giai đoạn 2001-2010 và đến giai đoạn 2011-2019 là 27,5%.
Và mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đề xuất tỷ lệ điều tiết ngân sách được giữ lại là 23% trong năm 2021 (thay vì 18% như hiện nay), nhưng Quốc hội chưa thông qua do tình hình chung của cả nước còn khó khăn.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhận xét, TPHCM có vị trí, vai trò rất quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng và xã hội, không chỉ với khu vực miền Nam mà đối với cả nước.
Những năm qua TPHCM vẫn là đầu tàu kinh tế cả nước, khi đóng góp khoảng 22% GDP và khoảng 27% ngân sách của cả nước, trong đó tăng trưởng GDP 6,44%/năm, cao hơn tốc độ cả nước… TPHCM có vị trí về nhân lực tương đối cao so với khu vực và trong nước, có hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tốt nhất cả nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của TPHCM, mà hạn chế lớn là chưa thực sự xứng tầm với vai trò vị thế, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của TPHCM.
Về nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có cả trách nhiệm của Trung ương và địa phương; công tác lãnh đạo, điều hành có nơi, có lúc còn bất cập và chưa chủ động sáng tạo; đồng thời vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại, sợ vi phạm, sợ kỷ luật.
Do vậy TPHCM cần thẳng thắn nhìn những hạn chế đó và đối mặt giải quyết, tạo động lực khắc phục chứ không tự ti, bi quan.
Phân tích vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đánh giá, vừa qua TPHCM chưa mạnh dạn trong thực hiện nhiệm vụ này. Không có động cơ xấu, không tiêu cực, không lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì Đảng phải bảo vệ, Chính phủ phải bảo vệ.
Tinh thần chung là siết kỷ luật kỷ cương nhưng đồng thời cũng phải mở rộng không gian sáng tạo. Tinh thần đặt ra là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ trách nhiệm và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Đi kèm đó là tăng cường kiểm tra giám sát, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Tăng trưởng kinh tế của TPHCM giai đoạn 2016-2020 chưa đạt mục tiêu, chỉ 6,44% so với hơn 8% mục tiêu, Thủ tướng gợi mở thêm việc tính toán quy hoạch, sử dụng đất cho hợp lý trong cơ cấu sử dụng đất. Trong đó, việc quy hoạch sử dụng đất phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển vùng và gắn với quy hoạch phát triển giao thông.
Thủ tướng đồng tình với các đề xuất của TPHCM và nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo là vấn đề nào vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thì Chính phủ cùng TPHCM tháo gỡ. Việc tháo gỡ các nút thắt theo tinh thần 3 không: “Không nói không, không nói khó và không nói có mà không làm”.
Thủ tướng cũng khẳng định nguyên tắc trong phân cấp, phân quyền. Nội dung nào TPHCM làm tốt hơn Chính phủ, các bộ ngành thì sẵn sàng giao TPHCM.