![]() |
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 160 tỷ USD để đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nguồn vốn ODA đang giảm dần, việc huy động các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực này theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) trở thành giải pháp đặc biệt quan trọng.
Từ đầu năm 2011, theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, mô hình PPP được thí điểm với một số dự án. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm thực hiện, việc triển khai thí điểm đã bước đầu bộc lộ những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Thông tin từ Tổ công tác liên ngành PPP của Chính phủ cho biết đến nay đã có 30 dự án đề xuất thực hiện theo mô hình PPP từ các bộ, ngành, địa phương với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ USD. Mặc dù Chính phủ đã lập tổ công tác với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành liên quan nhằm thúc đẩy mô hình PPP, nhưng theo đánh giá ban đầu, phần lớn các dự án được đề xuất có tính thương mại thấp, khó thu hút các nhà đầu tư.
Để đáp ứng được yêu cầu thì hỗ trợ của Nhà nước phải ở mức rất cao, không thể chỉ 30% tổng vốn đầu tư như quy định ở Quyết định 71. Cũng có một số dự án có tính thương mại cao, chẳng hạn dự án đường trên cao số 1 ở TPHCM hay dự án đường vành đai 4 ở Hà Nội. Tuy nhiên, các dự án này cũng khó triển khai do nằm trong tổng thể những dự án lớn khác.
Khi các dự án liên quan không được triển khai đồng bộ, tính hấp dẫn của 2 dự án trên cũng không còn. Một số dự án trước đây được triển khai theo phương thức khác (đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, tài trợ ODA…), nay được đề xuất chuyển sang mô hình PPP cũng gặp nhiều vướng mắc trong việc chuyển đổi.
Chính vì thế, đến thời điểm này, trong số 30 đề xuất chỉ có 3 dự án đang được tập trung nghiên cứu và phát triển theo mô hình PPP, gồm: dự án cấp nước sông Hồng 1; dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; dự án cầu Nguyệt Viên - Thanh Hóa.
Quá trình thí điểm mô hình PPP cho thấy khó khăn lớn nhất là chưa chuẩn bị được nguồn tài chính đầy đủ và cần thiết để thực hiện các dự án có tính khả thi cao. Hơn nữa, trong quá trình triển khai, một số quy định cần được hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn.
Chẳng hạn, theo quy định của Quyết định 71, phần tham gia của Nhà nước là 30% tổng vốn đầu tư, nhưng thực tế cho thấy phần tham gia này có một cơ cấu rất phức tạp, bao gồm cả yếu tố tài chính, chính sách, thuế, vốn đầu tư…
Vì vậy, khi xây dựng nội dung này cho các dự án thí điểm, nếu không có hướng dẫn chi tiết sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nội dung phân chia rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư cũng là vấn đề cần được làm rõ. Mặc dù Quyết định 71 cho phép 2 bên tự thỏa thuận về phân chia rủi ro, nhưng các nhà đầu tư vẫn muốn rõ quan điểm của Nhà nước trong vấn đề này.
Tại diễn đàn doanh nghiệp Hội nghị CG giữa kỳ năm nay, nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ băn khoăn về quan điểm đối với sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước trong dự án PPP. Nếu không có quy định cụ thể và minh bạch, sẽ rất khó để tính toán phần tham gia của Nhà nước, như đâu là phần hỗ trợ, đâu là phần vốn thương mại trong dự án PPP.
Một vấn đề khác là trong danh mục 30 dự án thí điểm theo mô hình PPP, có một số dự án lại được triển khai theo hướng hợp tác song phương chính phủ, chẳng hạn như dự án sân bay quốc tế Long Thành được nghiên cứu theo mô hình PFIs, về bản chất là sự kết hợp giữa ODA với đầu tư tư nhân.
Một số nhà đầu tư băn khoăn rằng hướng nghiên cứu này liệu có dẫn tới sự hình thành của một mô hình hay cơ chế mới trong tương lai?
Theo lý giải của cơ quan quản lý, vấn đề này còn phụ thuộc vào chính sách ODA của phía đối tác cấp vốn. Vấn đề đặt ra là nếu nhìn nhận PFIs gắn với ODA thì phải có cơ chế quản lý theo ODA, tức gắn với nợ công. Trong khi đó, nếu nhìn nhận PFIs gắn với đầu tư tư nhân sẽ phải quản lý theo mô hình khác.
Để thúc đẩy mô hình PPP, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, cơ chế cần sớm được làm rõ. Tính đúng đắn và yêu cầu bức thiết của việc triển khai mô hình PPP đã được xác định. Các nhà đầu tư và đối tác tài trợ của Việt Nam thời gian qua liên tục thúc giục đẩy nhanh việc áp dụng mô hình này.
Những khó khăn trong thực tế cũng đã được nhận diện. Tức đã đến lúc phải quyết tâm giải quyết dứt điểm những vướng mắc phát sinh, để mô hình PPP thực sự phát huy hiệu quả trong chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.