Hiện nay, dưới tác động của Thông tư 38 Bộ Tài chính, rào cản thủ tục hải quan ở các cửa khẩu tại TP HCM đã dần được tháo gỡ, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở một số cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu tập trung hàng hóa xuất - nhập khẩu đa chủng loại vẫn còn tồn tại vướng mắc trong thông quan.
Các bến bãi của cảng Hiệp Phước - Tân Cảng trên địa bàn huyện Nhà Bè lúc nào cũng tràn ngập hàng nghìn xe ô tô mới nguyên chiếc của các hãng For, Toyota, Mercedes… nhập về. Tuy vậy, ở khu vực làm thủ tục hải quan cảng này khá vắng vẻ, việc khai báo tờ khai cũng như việc thông quan các lô hàng ô tô nhập khẩu cũng rất nhanh.
Có lẽ do cửa khẩu này chỉ có một loại hàng nhập khẩu là ô tô, nên chủ hàng chỉ phải lo giấy đăng ký kiểm tra hàng hóa của cơ quan đăng kiểm phương tiện cơ giới. Việc này cũng đã được giải quyết nhanh bởi sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và đơn vị đăng kiểm.
Khi có lô hàng ô tô nhập về, cơ quan đăng kiểm phương tiện cơ giới đưa thiết bị kiểm định xuống tận cảng để kiểm tra hàng hóa, cấp giấy đăng kiểm tại chỗ để giúp doanh nghiệp giải phóng hàng nhanh.
Ông Đỗ Thế Mạnh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan cảng Hiệp Phước – Tân Cảng cho biết, đối với hải quan cấp cơ sở hiện nay đã được phân loại chỉ còn khoảng trên dưới 60 thủ tục. “Qua rà soát, thủ tục hải quan nào không phù hợp chi cục sẽ thay đổi nội dung, trường hợp quá thẩm quyền sẽ kiến nghị cấp trên xử lý”, ông Mạnh cho biết.
Thế nhưng, trái với cửa khẩu cảng Hiệp Phước – Tân Cảng, các cửa khẩu tập trung hàng hóa xuất nhập khẩu đa chủng loại khác như cảng Cát Lái – Sài Gòn khu vực 1, cảng ICD hay cảng Sài Gòn khu vực 3, tình trạng khách hàng đến làm thủ tục thông quan vẫn ùn ứ, do vẫn còn một số vướng mắc chưa được gỡ bỏ.
Ngoài giấy đăng ký kiểm tra chất lượng chuyên ngành, các doanh nghiệp còn phải lo nộp tiền thuế, tiền phạt (nếu có) mới được thông quan. Nhưng khi đến ngân hàng, doanh nghiệp chưa có tờ khai thông quan hải quan sẽ không được ngân hàng cho làm thủ tục nộp thuế.
Phức tạp nhất khi làm thủ tục thông quan vẫn là mặt hàng hóa chất nhập khẩu, doanh nghiệp muốn thông quan phải lo đưa mẫu hàng đến các trung tâm phân tích, phân loại xác định tên hàng, mã số và xác định xem hàng có được nhập khẩu hay không? Việc này mất từ 2 - 3 tháng, thậm chí 6 tháng trong khi hàng hóa vẫn phải để tại cửa khẩu, phát sinh phí lưu kho lưu bãi gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu doanh nghiệp phải nộp vận tải đơn cũng bất hợp lý, cần phải bãi bỏ vì hiện nay, chứng từ vận tải đơn đã được doanh nghiệp kê khai trên hồ sơ điện tử hải quan và Hệ thống thông tin một cửa Quốc gia.
Thông tư 38 tiếp nối các thông tư trước đây của Bộ Tài chính đã tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, nhưng một số vướng mắc nêu trên vẫn tồn tại, rất cần được tháo gỡ để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu TP HCM.