Góc khuất bản quyền

Sự có mặt của cơ quan này đã giúp cộng đồng có thêm một thước đo sở thích âm nhạc của công chúng. Thí dụ, sự mến mộ của công chúng dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được khẳng định rõ ràng qua số tiền bản quyền 700 triệu đồng mỗi năm.

Sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne, âm nhạc là lĩnh vực được thực thi bản quyền tích cực nhất. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từ khi ra đời đến nay đã hoạt động khá hiệu quả. Năm 2013 tiền tác quyền âm nhạc thu được lên đến 58,3 tỷ đồng, chứng tỏ khái niệm sử dụng miễn phí sản phẩm âm nhạc đang dần dần bị loại trừ.

Sự có mặt của cơ quan này đã giúp cộng đồng có thêm một thước đo sở thích âm nhạc của công chúng. Thí dụ, sự mến mộ của công chúng dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được khẳng định rõ ràng qua số tiền bản quyền 700 triệu đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất là nhờ ý thức bản quyền nâng cao, các nhà thơ cũng được tưởng thưởng tương xứng với đóng góp của họ cho phần ca từ. Theo đó, nhiều năm nay các nhà thơ vẫn được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc mời đến nhận nhuận bút. Dù khoản tiền chỉ nho nhỏ, song niềm vui rất lớn. Bởi lẽ, sự sáng tạo thầm lặng đã được trân trọng và tôn vinh. Thế nhưng do một thời gian dài chẳng ai lưu tâm đến bản quyền ca từ, nên không ít nhà thơ vẫn chìm khuất trong bóng tối.

Xin đơn cử trường hợp tác giả ca từ của bài hát nổi tiếng “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”. Bài hát này được nhạc sĩ Đoàn Bổng phổ thơ Lai Vu vào năm 1978, đã nhanh chóng phổ biến với sự thể hiện của nhiều thế hệ ca sĩ, từ Lê Dung đến Anh Thơ. Không tính sức lan tỏa trên phát thanh, truyền hình và sân khấu, “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” là một trong những ca khúc được hát rộn ràng ở các dịch vụ karaoke. Nhạc sĩ Đoàn Bổng hoan hỉ nhận đủ bản quyền phần nhạc, còn bản quyền ca từ vẫn nằm trong sổ sách Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vì không ai biết nhà thơ Lai Vu đang ở đâu.

Năm 1990, nhà thơ Lai Vu mất ở tuổi 48. Cả cuộc đời ông chỉ có một tập thơ “Tiếng mưa”, trong đó có bài thơ “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” trứ danh. Nhà thơ Lai Vu có giai đoạn làm việc tại Ty Văn hóa Hà Tây, nhưng sau khi ông giã biệt thế gian đến nay bản quyền ca từ “Dòng sông Đáy quê em… dòng sông Đà quê anh” vẫn chưa được thân nhân tiếp nhận.

Có những bài hát mang tính thời thượng như “Quên cách yêu” thu được 164 triệu đồng bản quyền trong năm 2013, nhưng không có gì chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài như “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”. Đành rằng những câu thơ Lai Vu viết ra chỉ nhằm dâng hiến cho mọi người, nhưng ngày nào bản quyền của ông chưa được thực thi, lời ca “tiếng mưa như tiếng tằm ăn” sẽ khiến người nghe cảm thấy xót xa theo thân phận.

Các tin khác