Tới nay dù đã có những phát minh hiện đại, gốm vẫn không mất đi vai trò quan trọng, thậm chí là nhân tố then chốt lưu giữ những giá trị tinh hoa văn hóa.
Mỗi sản phẩm gốm minh chứng cho bước tiến của giai đoạn lịch sử. Thông qua hình thức mẫu mã, chức năng công dụng, chúng ta có thể khai thác được nhiều lớp thông tin ẩn chứa trong gốm.
Từ chất đất tạo xương, cho đến kỹ thuật nặn tạo hình, thể hiện sự điêu luyện của người nghệ nhân, ánh lửa bập bùng nhảy múa khơi nguồn cảm xúc thăng hoa, chất men biến ảo và mỗi nét hoa văn đều thể hiện sự sáng tạo. Cứ thế, mỗi sản phẩm gốm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chúng ta được nghe những câu chuyện về văn hóa, văn minh của mỗi một dân tộc, khơi gợi bao ký ức…
Theo hệ thống tiêu chí phân loại gốm với những đặc điểm khác nhau, lịch sử gốm Việt Nam được phân tách thành các giai đoạn: thời kỳ Tiền sơ sử, thời kỳ Lý - Trần, thời kỳ Lê sơ, thời kỳ Lê trung hưng, thời kỳ nhà Nguyễn và thời kỳ hiện đại.
Ngày nay, chức năng của gốm được đa dạng hóa vừa mang tính trang trí vừa có tính ứng dụng cao như đồ đựng, bộ đồ ăn, đồ vệ sinh, chất cách điện, đồ dùng trong phòng thí nghiệm… Nhiều gia đình sử dụng những sản phẩm lọ hoa gốm sứ để trang trí trong nhà, ngoài vườn, nhằm tăng vượng khí và thể hiện phong thái tinh tế sang trọng.
Nhìn vào một tác phẩm gốm hiện đại, chúng ta có thể biết được xuất xứ thuộc dòng gốm nào, như Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), Đông Triều (Quảng Ninh), Phước Tích (Huế), Thanh Hà (Quảng Nam), Bàu Trúc (Bình Thuận), Biên Hòa (Đồng Nai), Chánh Nghĩa Tân Phước Khánh, Lái Thiêu (Bình Dương), Vĩnh Long (Vĩnh Long), Cây Mai (Sài Gòn), Khmer (An Giang)…
Mỗi lò gốm không chỉ có sự khác biệt về các yếu tố tự nhiên và xã hội, mà đều có những bí quyết riêng trong kỹ thuật pha chế men gốm để tạo nên những đặc trưng riêng của mình. Dòng gốm Bát Tràng với phương pháp vuốt tay “độc bản”, nung theo phương pháp cổ truyền, men gốm tự nhiên phủ đều mịn khắp bề mặt gốm.
Với mẫu mã đa dạng, lớp men phong phú với nhiều màu sắc như: men gốm đa sắc, men lam, men chảy, men trắng, men sần, men rạn, gốm Bát Tràng đã là địa chỉ quen thuộc cho người chơi gốm.
Trẻ em trải nghiệm làm gốm tại Bảo tàng Gốm Bát Tràng (Hà Nội). |
Làng gốm Chu Đậu là dòng gốm cao cấp được ví “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”. Gốm Chu Đậu thuộc dòng men tro trấu thiên nhiên đã được xác lập “kỷ lục độc bản” Việt Nam, được thế giới ngợi ca về độ bền cũng như giá trị nghệ thuật đỉnh cao và được lưu giữ trong nhiều bảo tàng trên thế giới.
Các sản phẩm thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men màu tam thái, đến họa tiết hoa văn trang trí... đều mang dấu ấn bản sắc tinh hoa văn hóa Việt, miêu tả ấn tượng khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Làng gốm Bàu Trúc có tuổi đời hơn 500 năm, là một trong những làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, đến nay vẫn duy trì phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công, những nghệ nhân là phụ nữ Chăm không sử dụng bàn xoay để tạo hình. Họ sử dụng đôi chân di chuyển xung quanh khối đất kết hợp với sự khéo léo của đôi bàn tay để nặn. Cách nung lộ thiên bằng cách đốt củi phủ rơm với nhiệt độ khoảng 700-900oC. Trang trí mang đậm nét văn hóa vùng sông nước, đất trời và tôn giáo cùng quy trình làm gốm mang nét văn hóa địa phương.
Gốm Biên Hòa từ công đoạn nhào đất, tạo hình bằng bàn xoay, từ in khuôn đến khắc chìm, tô men, trang trí trên gốm... đều làm thủ công. Một trong những điểm nổi bật của dòng gốm này là lối chạm khắc chìm và kiểu phối màu men bách hoa - nghệ thuật phối màu đa sắc.
Để tạo ra những sản phẩm gốm chất lượng cao đòi hỏi người thợ phải tâm huyết, yêu nghề, cẩn thận, tỉ mỉ và chau chuốt. Mặc dù ngành sản xuất gốm mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng và xã hội, nhưng hiện nay nghề gốm đang đứng trước nguy cơ mai một.
Với nhiều chính sách quan tâm của Nhà nước các làng gốm truyền thống đã có sự chuyển mình để bắt kịp xu thế. Làng gốm Bát Tràng hiện được công nhận là địa điểm du lịch, với ưu thế nằm gần trung tâm thủ đô Hà Nội, trung bình mỗi ngày, đặc biệt là cuối tuần đón 3.000-5.000 khách đến tham quan trải nghiệm tham gia nhiều hoạt động thú vị. Hay làng gốm Bàu Trúc đã có nhiều chuyến hàng xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu…
Để phát huy hơn nữa tiềm năng của nghề sản xuất gốm, ngoài việc tạo ra các sản phẩm tinh xảo có chất lượng cao, giới thiệu quảng bá ra thị trường quốc tế, chúng ta cần hành động cụ thể, bài bản, chuyên nghiệp và sự chung sức của các cấp chính quyền, đặc biệt là ngành du lịch, hiệp hội làng nghề, hiệp hội gốm sứ và chính quyền địa phương. Lên kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn trong cách thức sản xuất và truyền thông quảng bá.
Điều quan trọng là giới thiệu quảng bá sản phẩm tới cộng đồng trong và ngoài nước, từ đó phát huy giá trị di sản quốc gia và nâng cao mức sống cho người lao động.
Đơn cử, “mỗi làng một sản phẩm” là chương trình tốt, cần được khai thác và phát huy, bằng các cách như quy hoạch tổng thể cấp quốc gia, theo đặc trưng từng vùng, miền, từng dòng gốm; thiết kế không gian trải nghiệm với nhiều hoạt động thú vị; xây dựng tour tham quan, trang bị hệ thống thuyết minh, hướng dẫn, liên kết tạo ra nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị để lại những cảm xúc ấn tượng cho khách tham quan; thường xuyên tổ chức các triển lãm giới thiệu sản phẩm, cùng các hoạt động giao lưu giữa nghệ nhân và công chúng, giúp công chúng hiểu hơn về vẻ đẹp và giá trị của gốm.
Đưa gốm trở thành những câu chuyện về lịch sử văn hóa con người của mỗi vùng đất, không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, làng nghề gốm truyền thống, còn kích thích ngành du lịch phát triển.