Trong vòng xoáy khắc nghiệt của cơ chế thị trường tác động vào làng nghề, người đàn ông “tai gần như điếc, miệng gần như câm” ấy vẫn luôn cháy bỏng đam mê nghề gốm thủ công cổ truyền ở làng gốm Bát Tràng Hà Nội. Anh là Phạm Anh Đạo, chủ cơ sở gốm Đạo Trinh, người duy nhất làm gốm bằng tay ở Bát Tràng hiện nay.
Một mình một chiếu
Từ bé Đạo ốm đau liên miên, phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh nên một bên tai mất khả năng nghe. Khả năng phát âm của anh vì thế cũng bị tước mất một phần, nói không còn tròn vành rõ chữ, rất khó khăn để biểu đạt một câu hoàn chỉnh. Học đến lớp sáu, do không nghe được bài vở, Đạo ở nhà học làm gốm.
![]() |
Nghệ nhân Phạm Anh Đạo |
Thừa hưởng kinh nghiệm của cha mình (ông Phạm Ngọc Huy, thợ gốm hàng đầu của làng gốm nổi tiếng Bát Tràng), cậu bé Đạo gắn cả tuổi thơ với đất sét, dáng gốm và những vòng xoay. Chẳng mấy chốc, cậu bé 15 tuổi đã thành thục các công đoạn từ nhào đất, cân đất, tạo xương, vẽ, canh lò…
Khi vào độ tuổi thanh niên, Đạo không còn thụ động áp dụng những gì đã học được từ những bí quyết sản xuất gốm gia truyền, mà bắt đầu tìm tòi sáng tạo. Trong khi cả làng làm gốm bằng máy và khuôn thạch cao, Đạo đã tìm cho mình con đường riêng: Nghiên cứu khôi phục phương thức làm gốm cổ bằng tay đã bị lãng quên. Anh bắt đầu bằng việc vuốt những sản phẩm đơn giản như chén, đĩa...
Sau khi những sản phẩm này đạt đến độ hoàn mỹ, Đạo thực hiện tiếp những sản phẩm lớn, phức tạp hơn như bình, lọ. Nhưng những sản phẩm lớn, tinh vi đòi hỏi nghệ nhân phải có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật cao. Đạo đã liên tục thất bại nhưng không nản chí.
Suốt thời gian này, ngày nào cả người anh cũng bị đất bắn be bét, sản phẩm hỏng chất đầy góc sân. Rút kinh nghiệm dần dần, sản phẩm gốm vuốt, nặn bằng tay đã có hình khối, đường nét và có hồn. 17 năm sau, ở tuổi 33, Đạo đã trở thành niềm tự hào của làng gốm với những sản phẩm gốm vuốt tay sản xuất theo phương pháp cổ truyền được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Sau thành công với gốm vuốt, Đạo tiếp tục mày mò pha chế men, màu với ý định phục chế gốm cổ. Thế là anh sử dụng men truyền thống gốm sứ Bát Tràng xưa như men rạn, lam, chàm, da lươn…
Chính trong thời gian này, Đạo đã thành thân với chị Nguyễn Mỹ Trinh, người sau đó trở thành chỗ dựa giúp anh thực hiện ước mơ phục chế gốm cổ và đặt tên cho cơ sở gốm Đạo Trinh.
Khôi phục gốm cổ
Xưởng gốm Đạo Trinh nằm ngay phía sau gian phòng trưng bày các sản phẩm gốm vuốt tay. Trong không gian nhỏ hẹp, Đạo như lọt thỏm giữa những chiếc bình, lọ cao sừng sững, chum, lộc bình, ấm tích đắp nổi hình ảnh hoa phù dung, tứ linh, rồng…
Đạo khoe, đó là bộ sản phẩm làm mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mất 3 tháng mới hoàn thành một sản phẩm. Do vuốt bằng tay đòi hòi kỹ thuật cao nên các công đoạn chính như tạo dáng sản phẩm, đắp hoa văn, pha men đều do một tay Đạo đảm đương.
Nhờ vuốt tay, những sản phẩm cùng loại của Đạo không bao giờ giống nhau. Chẳng hạn, cùng là bộ cốc uống nước nhưng mỗi chiếc cốc lại không giống nhau, chiếc này to hơn hoặc thấp hơn chiếc kia chút xíu…
![]() |
Gốm vuốt độc đáo ở chỗ cùng mặt hàng nhưng không bao giờ giống nhau. |
Đạo giải thích, đó chính là nét riêng của gốm vuốt, vì vậy người am tường loại gốm này không bao giờ phàn nàn về sự không hoàn hảo ấy, ngược lại còn cảm thấy thú vị.
Một trong những khách hàng thân thiết của gốm Đạo là họa sĩ Lê Thiết Cương, anh thích sưu tập các loại gốm làm bằng tay, mỗi sản phẩm đều độc bản, không cái nào giống cái nào. Gốm thủ công thường nặng, dày hơn gốm thường để có thể giữ phom dáng sau khi nung hơn 1.200oC suốt 24 giờ.
Xưởng gốm của anh Đạo hiện chủ yếu làm hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và phục chế gốm cổ, gốm giả cổ cho các cửa hàng. Nhộn nhịp nhất là thời điểm 2 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm.
Làm gốm bằng tay vất vả nhiều bề. Hơn một tháng mới được một lò, chỉ riêng tiền gas đã tốn vài triệu đồng/lần chưa kể chi phí nguyên liệu, nhân công… Nên phần lãi không bì được với cách sản xuất gốm công nghiệp.
Hơn nữa, sản phẩm có giá thành khá cao, chiếc chóe làm công nghiệp chỉ khoảng 500.000-600.000 đồng nhưng làm bằng tay giá đội lên đến gấp 4 lần, không phải dễ bán. Lợi ích kinh tế không cao, kỹ thuật vuốt đòi hỏi tay nghề, sự nhẫn nại nên cả làng hiện chỉ duy nhất Đạo theo gốm vuốt bao năm nay.
Anh làm gốm xuất phát từ tình yêu, sự đam mê và điều quan trọng là để giữ phương thức truyền thống, sau truyền lại cho con cháu. Đơn hàng nhiều nhất Đạo từng làm là của Công ty cà phê Trung Nguyên năm 2009, gồm 6 mẫu ly tách, chén đĩa, mỗi mẫu 10.000 bộ. Hiện Đạo là nhà sản xuất độc quyền ly, tách cho Trung Nguyên.
Đến xưởng gốm Đạo Trinh, nhìn Đạo say sưa trên bàn xoay, người đối diện sẽ có cảm giác bị mê hoặc lạ kỳ. Đôi tay thoăn thoắt chưa đầy phút đã biến đống đất sét vô hồn thành một khuôn bình xinh xắn. Mỗi sản phẩm là một sự kết tinh và ghi dấu khoảnh khắc riêng biệt.
Thế giới bình yên và tràn đầy sức sống của Đạo chính là lúc anh vùng vẫy với đất sét, và gốm. Những sản phẩm gốm nằm im lìm trên các thanh giá trong cửa hàng trầm lặng, nhẹ nhàng trong gam màu hoài cổ như gửi gắm tâm hồn của chủ nhân. Chị Trinh tâm sự, mỗi ngày chồng mình chỉ làm gốm vài giờ, nhưng khi cảm hứng ùa về, nửa đêm anh cũng vùng dậy lao xuống xưởng.