Làm sạch, đóng gói trứng tại Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: THANH HẢI
Cơm, hủ tiếu tăng thêm 5.000-10.000 đồng
Theo ghi nhận, một số quán ăn trên địa bàn TPHCM đã tăng giá so với trước. Anh Đỗ Văn Nam (quận Tân Bình) cho biết: “Tại những quán anh hay ăn, phở trước kia giá 30.000 đồng/tô nay đã tăng lên 35.000 đồng/tô; mì Quảng trước từ 27.000 đồng/tô đã tăng lên 32.000 đồng/tô.
Thậm chí, nhiều quán tăng lên đến 10.000 đồng/tô”. Đáng chú ý, những đĩa cơm, tô hủ tiếu… có tôm, mực đánh bắt từ biển cũng tăng giá mạnh, tăng từ 7.000-10.000 đồng/phần. Đã trụ được nhiều tháng, một số quán cơm bình dân tại quận Tân Phú, quận 12… trong những ngày qua cũng tăng giá từ 2.000-5.000 đồng/phần. Chị Đỗ Lan Hương, chủ quán bún mắm tại cư xá Bắc Hải (phường 15, quận 10), thông tin, nguyên liệu đầu vào như rau củ, cá, thịt… đều tăng, nên rất khó giữ giá bán.
Theo chuỗi cửa hàng hải sản Hoàng Gia, giá cua, ghẹ đã tăng mạnh, thậm chí còn cao hơn hải sản nhập khẩu. Cua gạch giá 790.000 đồng/kg, cua thịt giá 729.000 đồng/kg; ghẹ loại 1 giá 829.000 đồng/kg, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Lý giải nguyên nhân này, đại diện cửa hàng cho biết, do giá xăng dầu tăng nên nhiều tàu thuyền ngưng đánh bắt hải sản. Thời điểm này là mùa nước chảy nên sản lượng đánh bắt không nhiều, tác động đến nguồn cung.
Tại các cửa hàng nhỏ lẻ, chợ truyền thống, nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng tăng giá bán. Ví dụ, trứng gà dao động từ 33.000-37.000 đồng/chục, riêng trứng gà lớn có giá từ 40.000 đồng/chục trở lên, trứng vịt từ 37.000-38.000 đồng/chục. Mức giá này đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2021. Người bán lý giải, chi phí vận chuyển, giá thức ăn chăn nuôi tăng nên đã tác động mạnh đến giá bán lẻ trên thị trường.
Bên cạnh đó, các mặt hàng dầu ăn cũng tăng từ 5.000-10.000 đồng/lít, tùy thương hiệu. Thêm nữa, số mặt hàng phục vụ thị trường Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch) cũng được người bán thông báo mức giá mới so với ngày bình thường. Trên mạng xã hội Facebook, anh M.B. (quận 12) rao bán cơm rượu nếp hương 110.000 đồng/hũ, cơm rượu nếp than 125.000 đồng/hũ, bánh ú tro 75.000 đồng/xâu 10 bánh, bánh bá trạng 1 trứng 90.000 đồng… Các mặt hàng này đều tăng khoảng 5.000 đồng/món so với trước đây.
Điều tiết để giữ giá
Trao đổi phóng viên Báo SGGP, một số doanh nghiệp lớn khẳng định sẽ nỗ lực giữ giá tốt nhất để hỗ trợ người mua, đến khi nào không cầm cự được sẽ tính đến phương án điều chỉnh giá. “Thời gian tới, nếu nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng, hợp tác xã sẽ thỏa thuận lại với các hệ thống siêu thị điều chỉnh giá bán.
Còn bây giờ, chúng tôi sẽ nỗ lực điều tiết để có mức giá tốt nhất cho người mua”, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất TM-DV Phước An (huyện Củ Chi) nói. Tương tự, thông tin từ Hợp tác xã Chăn nuôi an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi), giá heo hơi đang bán khoảng 56.000 đồng/kg, dự báo mức giá này sẽ ổn định trong thời gian dài, do số lượng heo đang chăn nuôi rất dồi dào.
Trong khi đó, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (thương hiệu trứng Vfood), nhìn nhận, giá trứng bình ổn bán tại các hệ thống siêu thị không tăng, nhưng giá bên ngoài tăng đáng kể. Giá trứng tăng vì tổng đàn giảm, nhiều trang trại “treo chuồng” do giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Với tình hình tăng giá nhiều mặt hàng, giá nguyên liệu, thức ăn tăng mạnh như hiện nay, công ty sẽ đề nghị Sở Công thương TPHCM phê duyệt tăng giá trứng bình ổn.
Đại diện ban quản lý các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền thông tin, số lượng rau củ quả từ tỉnh Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng… về chợ mỗi đêm đều có mức giá ổn định. Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng thời tiết bất thường, mưa nhiều nên đã tác động đến chất lượng rau củ quả khiến giá tăng nhẹ. “Thị trường vừa mới sôi động nhưng mãi lực tại chợ vẫn yếu, chưa được như kỳ vọng”, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn thông tin.
Hãng vận tải tăng giá vé xe Thông tin từ Bến xe miền Đông, số đơn vị có hồ sơ điều chỉnh giá vé từ đầu tháng 3 đến nay là 66 đơn vị, có 100 tuyến điều chỉnh, tỷ lệ tăng bình quân 24%. |