GS. Dương Quảng Hàm - Một cuộc đời ghi dấu trong quốc văn

(ĐTTCO) - GS. Dương Quảng Hàm là một học giả tiêu biểu của nền văn học sử Việt Nam hiện đại. Ông hy sinh vào những ngày Thủ đô kháng chiến cuối năm 1946, nhưng đến năm 2000 mới được công nhận Liệt sĩ. 

Gia đình GS. Dương Quảng Hàm năm 1944. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
Gia đình GS. Dương Quảng Hàm năm 1944. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Người đầu tiên viết văn bằng chữ quốc ngữ

GS. Dương Quảng Hàm sinh ngày 14-7-1898 ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Xuất thân trong một gia đình nho học, với thân phụ Dương Trọng Phổ và người anh Dương Bá Trạc dấn thân cho phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, nên từ nhỏ Dương Quảng Hàm đã nung nấu ý chí giúp nước giúp đời. Thế nhưng, khi chưa học hành thành tài, Dương Quảng Hàm đã vướng mối duyên phận bất ngờ.

Đó là, ở làng Phú Thị có 2 gia tộc nổi tiếng là họ Dương và họ Trần đều đỗ đạt khoa cử, nhưng lại có hiềm khích tích tụ. Để hóa giải oán cừu, họ Dương và họ Trần quyết định kết tình thông gia. Anh trai của Dương Quảng Hàm được hứa hôn với chị gái của Trần Thị Vân. Tuy nhiên, trước ngày cưới, chị gái của Trần Thị Vân đột ngột qua đời. Lời đính ước giữa 2 dòng họ không thể bị phá vỡ, nên cuộc hôn nhân khác được nhanh chóng thiết lập cho Dương Quảng Hàm và Trần Thị Vân.

Bà Trần Thị Vân lớn hơn ông Dương Quảng Hàm 2 tuổi, bước về làm dâu theo đúng nghi lễ phong kiến. Bà Vân tư chất thông minh, thời thơ ấu cũng được học chữ Nho, nhưng lại thể hiện năng khiếu ở lĩnh vực kinh doanh. Đám cưới tổ chức năm 1914. Sau hôn lễ, Dương Quảng Hàm lên Hà Nội học, còn Trần Thị Vân ở quê cùng bố mẹ chồng và tiếp tục buôn bán ở chợ Mễ Sở.

Năm 1920, khi ông thi đỗ thủ khoa vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, người vợ chuyển lên Thủ đô đoàn tụ với chồng. 2 người mua căn nhà số 98B Hàng Bông để làm tổ ấm, và mở hiệu buôn Đông Phú.

duong-quang-ham.jpg

Dương Quảng Hàm tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội với khóa luận “Khổng Tử học và học thuyết Khổng Mạnh trong nền tảng giáo dục cũ”, báo hiệu tầm vóc một nhà nghiên cứu tương lai. Khi đi dạy học ở Trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An- Hà Nội), GS. Dương Quảng Hàm bắt đầu biên soạn sách giáo khoa, tác phẩm tiêu biểu nhất là “Quốc văn trích diễm” được làm một cách khoa học với những tuyển chọn và chú thích công phu.

Dù chỉ hướng đến mục đích giáo dục, nhưng ông đã để lại cho văn học nước nhà những công trình văn hóa có giá trị lâu bền. Bộ sách “Trung học Việt văn giáo khoa thư” hơn 1.000 trang, bao gồm cuốn “Việt Nam văn học sử yếu” công bố năm 1941 và cuốn “Việt Nam thi văn hợp tuyển” công bố năm 1942, đến hôm nay vẫn là tác phẩm mà những ai quan tâm đến tiến trình phát triển văn học sử Việt Nam phải tìm đọc.

Từ đó, có thể khẳng định, GS. Dương Quảng Hàm là người đầu tiên viết văn học sử dụng chữ quốc ngữ của Việt Nam.

Theo gương truyền thống gia tộc

Cuộc sống vợ chồng của GS. Dương Quảng Hàm, được các con họ nhớ lại: “Mỗi sáng, mẹ chuẩn bị sẵn ấm trà ngon, cùng bố thưởng thức và đọc báo. Sau khi tiễn bố tôi đến trường, mẹ mới mở cửa hàng để kinh doanh. Bố mẹ chúng tôi không bao giờ to tiếng với nhau, luôn đối đãi với nhau ân cần và lễ độ”.

Sau ngày Quốc khánh 2-9-1945, GS. Dương Quảng Hàm được cử làm Tổng Thanh tra Trung học của Bộ Giáo dục. Đáng tiếc, trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, GS. Dương Quảng Hàm đã hy sinh vào ngày 23-12-1946. Mãi 54 năm sau, ngày 5-7-2000, ông mới được truy điệu và công nhận Liệt sĩ.

Về sự ra đi đột ngột của ông, con trai út Dương Tự Minh chia sẻ: “Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, bố mẹ tôi được dân quân tự vệ đưa đến đền Hàng Bạc. Từ nơi này, tất cả người tản cư sẽ được dân quân tự vệ hỗ trợ di chuyển ra vùng tự do bằng cách đi qua bãi đất dưới chân cầu Long Biên có lính Pháp chiếm đóng.

Dân quân tự vệ đưa đàn bà đi trước, đàn ông đi sau. Cha mẹ tôi đành chia tay. Thế nhưng, khi mẹ tôi về đến quê, ngóng trông nhiều ngày vẫn chưa thấy bóng dáng chồng đâu. Đến khi có người báo tin, gia đình mới biết, quá trình ra khỏi nội thành, cha tôi cùng nhóm dân quân tự vệ gặp phục kích của địch, bị bắn chết.

Mặc dù vậy, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, mẹ con tôi vẫn hy vọng cha trở về. Sau này, giải phóng Thủ đô, niềm tin đó mới thực sự dập tắt. Đến nay thi thể cha tôi vẫn ở đâu không rõ”.

Nhìn lại cuộc đời GS. Dương Quảng Hàm, thế hệ sau ngoài việc ngưỡng mộ tinh thần cống hiến của ông, còn bày tỏ sự kính trọng dành cho người vợ đã đứng phía sau vun đắp cho sự nghiệp của ông. Trong số 8 người con, nhiều người đã biết đến nhân vật Dương Thị Thoa (bí danh Lê Thi), là một trong hai thành viên Hội Phụ nữ cứu quốc, đã vinh dự được kéo cờ đỏ sao vàng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bà Dương Thị Thoa kể lại giây phút lịch sử ấy: “Chúng tôi là đoàn phụ nữ quận Hoàn Kiếm được đứng hàng đầu, vì chúng tôi đi sớm hơn. Tôi đứng chờ ở ngoài, không đứng trong hàng ngũ. Bất ngờ Ban tổ chức yêu cầu cử một người lên kéo cờ. Mọi người nhìn vào tôi vì tôi đứng ngoài. Tôi đi lên lễ đài, gặp một chị mặc quần áo Tày, 2 chị em dắt tay nhau lên chân cột cờ. Lần kéo cờ trước Quảng trường Ba Đình đó tôi thấy sự việc quá trọng đại nên sợ lắm. Khi kéo thì tim đập thình thịch. Khi cờ lên đỉnh cột tôi mới thấy nhẹ nhõm”.

Bà Dương Thị Thoa sau này nhiều năm đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam. Ngoài bà Dương Thị Thoa, 7 người con còn lại của GS. Dương Quảng Hàm đều thành tài, như bác sĩ Dương Bá Bành, phát thanh viên Dương Thị Ngân, Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái, nhà báo Dương Thị Duyên, GS. Dương Thị Cương.

Người con út của GS. Dương Quảng Hàm là chiến sĩ cách mạng Dương Tự Minh. Ông từng bị tù đày ở Hỏa Lò, hiện nay vẫn cư ngụ trong ngôi nhà 98B Hàng Bông. Ông Minh cho biết: “Ngôi nhà 98B Hàng Bông phần lớn từ tích lũy nhiều năm buôn bán của mẹ tôi. Cha tôi là một nhà nghiên cứu, suốt ngày chỉ đọc sách và viết lách. Vì vậy tất cả đều do mẹ tôi đảm nhiệm. Bà vừa lo buôn bán kiếm tiền, vừa chỉ huy mọi việc lớn nhỏ. Cái tên Trần Thị Vân của bà chẳng mấy ai biết, vì mọi người luôn gọi là “bà Dương Quảng Hàm”. Và mẹ tôi cũng hãnh diện tự xưng với cái tên danh giá ấy”.

Trước khi mất ở tuổi 72, bà Trần Thị Vân vẫn day dứt vì chưa tìm được hài cốt GS. Dương Quảng Hàm: “Vẫn mong ông trường thọ/Thọ đến tuổi một trăm/Ngày ngày cơm hai bữa/Hai người ta cùng ăn/Đêm đêm trên giường ngủ/Hai người ta cùng nằm/Trông bầy con thơ dại/Cùng dạy bảo khuyên răn/Ngồi mát trên sân thượng/ Cùng kể chuyện trăm năm/Tôi chỉ chăm buôn bán/Ông theo dõi nghề văn/Lo sinh kế đầy đủ/Xem thế cuộc thăng trầm/Lúc sống cùng nhà ở/Lúc chết cùng mồ nằm”.

Các tin khác