Mới đây, CTCP Dịch vụ viễn thông Toàn cầu (GTel Mobile JSC) đã chính thức công bố thương hiệu mới Gmobile, hoạt động bằng 100% vốn nội, sẽ thay thế và chấm dứt việc sử dụng thương hiệu Beeline tại Việt Nam sau khi nhà đầu tư ngoại rút vốn.
Theo GTel Mobile, hiện tại Gmobile đã có khoảng 3,2 triệu thuê bao và mật độ phủ sóng đạt 60% dân số với 600 trạm phát sóng BTS trên cả nước. Khi bắt tay vào hoạt động, công ty đã lên kế hoạch năm 2013 sẽ phát triển hệ thống BTS lên 1.000 trạm.
Mặc dù ra đời trong giai đoạn thị trường đã bão hòa nhưng thương hiệu mới này vẫn tự tin đưa mục tiêu trở thành mạng di động lớn thứ 4 Việt Nam và thậm chí hơn thế nữa. Theo một đại diện của GTel Mobile, dù xét về doanh thu, lợi nhuận, 3 năm qua Beeline không đạt được kết quả như mong muốn vì thị trường viễn thông ở Việt Nam có tính cạnh tranh rất mạnh, nhưng cũng đã tạo dựng được niềm tin và sự yêu mến của khách hàng.
Dựa trên những yếu tố đó, GTel Mobile ra đời sẽ kế thừa nền tảng khách hàng và cơ sở sẵn có, đồng thời sẽ phát triển hơn nữa để tạo chỗ đứng vững chắc. Lãnh đạo đơn vị này cũng lạc quan cho biết GTel Mobile sẽ đầu tư có tính toán cụ thể trong từng giai đoạn để đạt được hiệu quả tốt nhất, phấn đấu đến cuối năm 2012 sẽ đạt được 5 triệu thuê bao.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lại lo ngại cho thương hiệu mới ra mắt này. Bởi dù có nền tảng từ Beeline nhưng các chương trình thu hút khách hàng Gmobile đang triển khai chưa thể hiện được sự mới mẻ, đột phá.
Chẳng hạn, khi ra mắt, Gmobile đã tung ra gói cước tỷ phú 3, theo đó, chỉ với 35.000 đồng, khách hàng sẽ được sở hữu một bộ kit hòa mạng với thẻ sim có tài khoản 1 tỷ đồng có giá trị sử dụng trong 10 năm. Trước đây, Beeline cũng từng nổi tiếng trên thị trường nhờ vào gói cước tỷ phú như vậy.
Với Gmobile, giá thành một bộ kit hòa mạng rẻ hơn so với Beeline nên chắc chắn sẽ thu hút được một lượng thuê bao lớn nhờ vào yếu tố này. Tuy nhiên, khi áp dụng chương trình này, GTel Mobile JSC cũng khó thành công về mặt doanh thu và lợi nhuận như người tiền nhiệm.
Hơn nữa, theo thống kê, tại Việt Nam chỉ có 88 triệu người nhưng tổng số thuê bao di động đạt đến 122 triệu nên cơ hội phát triển thuê bao cũng sẽ hạn chế. Thêm vào đó, tình trạng một người đăng ký nhiều thuê bao khác nhau đang rất phổ biến.
Những người dùng sở hữu nhiều thuê bao thường có 1 hoặc 2 thuê bao chính và các thuê bao còn lại được sử dụng nhờ yếu tố khuyến mại, khi khuyến mại không tác dụng hoặc không còn tính hấp dẫn sẽ ngưng sử dụng và chuyển sang số thuê bao khác. Do đó, việc nỗ lực tiến tới con số 5 triệu cũng có thể gây ra sự lãng phí không đáng có đối với kho số thuê bao.
Để đạt được mục tiêu trở thành nhà mạng thứ 4 hoặc hơn thế nữa, GTel Mobile cần xem lại chiến lược phát triển với những cách làm mới mang tính đột phá thật sự để thể hiện tính bền vững, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.