
Nhưng có một điều trên lễ đài trong cuộc diễu binh, diễu hành trên đường Lê Duẩn sáng 30-4 năm nay, đa phần quan khách không phải người trực tiếp tham gia vào chiến dịch này như một người chiến binh thực thụ, bởi họ đều trưởng thành sau chiến tranh. Ban tổ chức có nhã ý bổ sung vào hàng ngũ diễu binh thêm một khối các cựu chiến binh là người trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử này.
Đó là ý tưởng nhân văn, nhưng những người lính năm ấy nếu còn sống chắc chắn trên 70 tuổi. Họ đã già, cộng thêm thương tật, bệnh tật, sốt rét khó mà đi ngay hàng thẳng lối, chân bước đều theo quân nhạc. Nhiều người sẽ là các cựu binh trẻ đi lính sau này, cho dù trên ngực áo họ có huy hiệu cựu chiến binh.
Tấn công vào Sài Gòn có 5 cánh quân với 20 sư đoàn chủ lực, tổng cộng có 240.000 quân chính quy. Các quân đoàn, sư đoàn chủ lực ấy chỉ ở Sài Gòn có vài ngày, bởi có một thực tế là Sài Gòn không có nơi ở và lương thực thực phẩm đủ cho một lực lượng quân chủ lực lớn như thế. Quân trường Quang Trung khi ấy chỉ chứa được một vài trung đoàn, còn lại các trại lính rất nhỏ.
Do vậy các quân đoàn, sư đoàn chủ lực chuyển ra phía xa như Căn cứ Nước Trong, Chi khu quân sự Long Thành, Tổng kho Long Bình, Thành Tuy Hạ, căn cứ Đồng Dù, một số đơn vị trở lại Tây Nguyên và ra Bắc.
Rất nhiều người mang tiếng là giải phóng Sài Gòn nhưng chưa biết gì thành phố này, ngoài một vài ấn tượng như nhà cao, đường rộng và tấm biển quảng cáo anh chàng da đen nhe răng cười của hãng kem đánh răng Hynos ở ngã tư Bảy Hiền, Hàng Xanh.
Hết chiến tranh có một cuộc giải ngũ rất lớn, họ lại trở về với đời thường. Hết chiến tranh, 8 người lính của hai kíp xe tăng 390 và 843 thuộc lữ đoàn 203 húc đổ hai cánh cổng của dinh Độc Lập trở về với cuộc sống như tất cả những người lính khác. Mãi 35 năm sau, nhân dịp kỷ niệm ngày 30-4-2010 họ mới được đến thăm TPHCM theo lời mời của lãnh đạo TPHCM.
Tấn công vào Sài Gòn ngày ấy còn một lực lượng nữa, trong sử sách gọi là lực lượng tại chỗ. Đó là các đơn đặc công, biệt động hoạt động ở vùng ven Sài Gòn. Nhờ tinh thần quả cảm, hy sinh của họ mà các cây cầu trọng yếu như Rạch Chiếc, An Phú Đông được giữ nguyên vẹn, các điểm trọng yếu được mở cửa trước như Bộ Tổng tham mưu, Tổng Nha cảnh sát. Nếu không có họ, các sư đoàn chủ lực không thể vào Sài Gòn nhanh chóng và Sài Gòn không còn nguyên vẹn.
Tôi bắt đầu từ một đơn vị của lữ đoàn đặc công biệt động 316. Ngày ấy các đơn vị ém quân sát Sài Gòn gọi là Z, còn các đơn vị tình báo gọi là H. Đơn vị tôi là Z28. Chính Z28 là đơn vị đánh chiếm cầu An Phú Đông và tấn công mở cửa Bộ Tổng tham mưu trước các quân đoàn chủ lực. Sau 30-4-1975, đơn vị cũng chỉ ở Bộ Tổng tham mưu có 2 ngày, sau đó di chuyển lên xã Tăng Nhơn Phú và tham gia đánh trận cuối cùng với tàn quân VNCH.
Đa phần những người trực tiếp nổ súng làm nên chiến thắng không có điều kiện hưởng thụ và những thú vui ở thành phố này. Ngày ấy, họ ra trận đơn giản chỉ như một nghĩa vụ của tuổi trẻ với Tổ quốc, xong việc rồi thì chỉ mong nhanh chóng được về với mẹ. Thế hệ ấy hôm nay đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm. Họ không còn sân si nữa. Dù nói gì thì thế hệ chúng tôi mãi tự hào về những năm tháng đó.
50 năm sau, những người lính từng có mặt trong đoàn quân tấn công vào Sài Gòn tháng 4-1975, sẽ không có mặt trên đường Lê Duẩn. Nhưng lịch sử sẽ không quên những khuôn mặt đen xạm thuốc xúng, hốc hác vì thiếu ngủ.
Nhà thơ nổi tiếng của Nga, Rasul Gamzatov từng nói, khuôn mặt của người chiến thắng không đẹp đẽ, lộng lẫy như trên phim ảnh và lễ hội, thậm chí không định hình được khuôn mặt của họ, vì họ đã bay lên trời xanh.