Sở Công Thương Hà Nội ước tính trong tháng Tết Nhâm Thìn 2012, người dân Thủ đô tiêu dùng khoảng 24.000 tỷ đồng, tương đương với gần 1,2 tỷ USD.
Nguồn: Internet |
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Nguyên đán dự kiến sẽ tăng 20 – 21% so với các tháng trong năm.
Trong đó lương thực là khoảng 65.000 tấn/tháng; thịt lợn khoảng 12.000 tấn/tháng, tăng 2.000 tấn so với các tháng trước đó; thịt gia cầm ở mức 6.000 tấn/tháng tăng thêm 2.500 tấn; thủy hải sản tươi, đông lạnh tăng 500 tấn lên mức 5.000 tấn/tháng. Riêng rau, củ, quả mức tiêu thụ lên tới 90.000 tấn, tăng 15.000 tấn.
Trên cơ sở tính toán này, để phục vụ lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra trên thị trường 9 nhóm mặt hàng thiết yếu với số lượng hàng hóa như sau: gạo trắng thường là 6.400 tấn; thịt lợn 1.350 tấn; thịt gà, vịt 500 tấn; trứng gia cầm 8 triệu quả… với tổng số tiền hàng là 475 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Đồng thời bằng nguồn vốn tự có, các doanh nghiệp cần chủ động dự trữ số lượng hàng hóa gấp đôi so với lượng hàng hóa thiết yếu được giao dự trữ bằng số tiền được Thành phố cho tạm ứng vốn theo phương án của doanh nghiệp gửi liên sở Tài chính - Công Thương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp được tạm ứng vốn để thực hiện dự trữ hàng phục vụ bình ổn giá còn phải thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá được Sở Tài chính chấp thuận. Trường hợp giá của một hoặc một số loại hàng hóa trên thị trường có biến động kéo dài tối thiểu 15 ngày liên tục và mức tăng 15% trở lên, doanh nghiệp phải báo cáo Sở Tài chính, Sở Công Thương và chỉ được điều chỉnh giá sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Sở Tài chính. Mức giá điều chỉnh cũng phải đảm bảo nguyên tắc thấp hơn giá thị trường 10%.
Mạng lưới, điểm bán hàng của các doanh nghiệp còn phải được lan rộng ra các khu vực đông dân cư, vùng nông thôn, ngoại thành… để người dân trên địa bàn Thủ đô đều được hưởng chương trình bình ổn giá.
Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp mở cửa các điểm bán hàng bình ổn giá đến hết ngày 30 tháng Chạp và sẽ bán hàng trở lại vào mùng 4 tháng Giêng.
Đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yêu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô, Sở Công Thương đề nghị Ban quản lý chợ chỉ đạo các hộ kinh doanh có kế hoạch dự trữ hàng hóa để đưa ra thị trường.
Theo ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý Thương mại của Sở Công Thương Hà Nội nếu tình hình thời tiết như hiện nay thì sẽ không có hiện tượng thiếu hàng hóa vào dịp Tết. Đây cũng là lý do khiến giá của hàng hóa sẽ ít có khả năng biến động mạnh, ngay cả đối với các mặt hàng tươi sống.