“Tôi đề nghị các đồng chí tập trung di dời hết các tàu cũ còn lại, bảo đảm cảnh quan, môi trường của khu vực hồ Tây. Việc đưa du thuyền hoạt động trở lại chưa vội tính đến. Sau này nếu có tính toán đến việc này thì cũng phải xem xét rất kỹ đến mọi mặt, nhất là tuyệt đối bảo đảm lâu dài, bền vững môi trường nước, giữ gìn sinh thái trong hồ”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, một số cơ quan báo chí đưa tin về nội dung Dự thảo Quy định quản lý hồ Tây đang trong quá trình soạn thảo xây dựng.
Được biết, vào thời gian cao điểm, từng có 14 doanh nghiệp tham gia quản lý, khai thác bến thủy nội địa, sử dụng 147 phương tiện thủy nội địa để kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí... trên mặt hồ Tây.
Tuy nhiên, các phương tiện, cơ sở này không bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định như phòng cháy, chữa cháy; kiểm định phương tiện, nhiều phương tiện, nhà nổi cỡ lớn còn thường xuyên xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước hồ Tây, làm cá chết hàng loạt…
Đầu năm 2017, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây; xác định vị trí và di chuyển tàu, thuyền, phương tiện nổi về vị trí tập kết; xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện ra khỏi hồ Tây.
Đến nay, 143/147 tàu vi phạm đã được di dời khỏi hồ Tây. Hiện tại, còn bốn tàu vi phạm đang được quận Tây Hồ phối hợp các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc để xử lý dứt điểm, trả lại cảnh quan mặt nước và môi trường cho hồ Tây.