Hoạt động du lịch của Hà Nội cũng như các địa phương trong cả nước, dù bắt đầu mở ra những hy vọng mới song vẫn phải thận trọng khi dịch bệnh chưa thể kiểm soát. Hiện tại, du lịch nội địa được xác định là thị trường trọng yếu.
Do vậy, ngành Du lịch Thủ đô tập trung phát triển thị trường này, với việc đẩy mạnh liên kết, xây dựng nhiều sản phẩm mới lạ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, Hà Nội đang chuẩn bị kế hoạch đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép.
Điểm đến an toàn, sáng tạo
Trong bối cảnh các di tích chưa thể mở cửa đón du khách, các điểm đến di sản trên địa bàn Hà Nội không thể “ngủ đông,” thay vào đó là việc triển khai các tour tham quan trực tuyến phục vụ du khách.
Với công nghệ 3D, du khách trong và ngoài nước có thể trải nghiệm du lịch ảo, khi không có điều kiện đi du lịch trực tiếp mà vẫn có thể tiếp cận và hiểu thêm các giá trị tự nhiên, văn hóa của Thủ đô.
Hàng loạt các tour du lịch khám phá văn hóa, lịch sử, cảnh quan của Hà Nội được ra đời trên cơ sở làm mới các tour truyền thống. Đó là tour Khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội; đạp xe khám phá tứ trấn, di tích lịch sử, làng cổ ven đô...
Ngành Du lịch Hà Nội cũng đang tập trung liên kết phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm và chương trình CCOP. Đây là mô hình du lịch nông nghiệp hay du lịch xanh, hiện được coi là xu hướng phát triển của ngành Du lịch thế giới sau đại dịch.
Những ích lợi mà loại hình du lịch này mang lại cho cộng đồng bản địa, môi trường tự nhiên đã nhìn thấy rõ. Đặc biệt, nó còn phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong thời gian tới, nhất là khách nội địa.
Mô hình du lịch nông nghiệp được hình thành trên cơ sở lựa chọn những làng nghề, nghề truyền thống có điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng; những sản phẩm quà tặng du lịch lưu niệm, nội thất, trang trí mang đặc trưng văn hóa của từng địa phương để phát triển thành các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn, mang đặc trưng văn hóa Hà Nội tại những điểm đến được xem xét để xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp. Nhiều điểm đến du lịch nông nghiệp được hình thành như: Làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, may Vân Từ, sơn mài Hạ Thái...
Cơ quan quản lý du lịch Hà Nội cũng như các doanh nghiệp lữ hành tăng cường liên kết với các địa phương trong cả nước, thiết lập hành lang du lịch an toàn để phát triển du lịch. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, trong bối cảnh ngành Du lịch nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch Thủ đô. Trong đó, hoạt động kích cầu những sản phẩm du lịch liên kết giữa Hà Nội và các địa phương nhận được sự ủng hộ tích cực từ du khách Thủ đô và các tỉnh thành khác.
Đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép
Để chuẩn bị từng bước mở cửa thị trường khách quốc tế, hướng tới mở cửa hoàn toàn trở lại vào năm 2022, ngành Du lịch Việt Nam phối hợp với các địa phương trọng điểm về du lịch, các cơ quan liên quan họp bàn về kế hoạch chuẩn bị các điều kiện đón khách, xúc tiến, quảng bá du lịch đến các thị trường khách du lịch quốc tế.
Chính phủ đã đồng ý chủ trương mở cửa thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bình Định. Hà Nội tuy chưa thí điểm đón khách quốc tế trong thời gian này, song cũng đang xúc tiến chuẩn bị kế hoạch đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép.
Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian này, ngành Du lịch Thủ đô thực hiện các chương trình quảng bá du lịch với các nước thành viên Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á (CPTA), Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố châu Á-Thái Bình Dương (TPO), Liên minh các thành phố du lịch Mekong-Lan Thương và các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế khác. Đồng thời, triển khai chương trình tuyên truyền, quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh CNN quốc tế, trong đó tập trung vào thời điểm trước, trong và sau SEA Games 31.
Về các điều kiện đón khách, Sở Du lịch Hà Nội hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố chuẩn bị các điều kiện đảm bảo phục vụ an toàn; đổi mới và duy trì chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu khách quốc tế chuẩn bị nhập cảnh thời gian tới.
Thành phố Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố đang thí điểm đón khách du lịch quốc tế nhằm xây dựng các chương trình đón khách quốc tế đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đã tròn hai năm qua, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội tạm dừng hoạt động đón khách quốc tế. Chính bởi vậy, họ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để hoạt động đón khách quốc tế được triển khai. Các doanh nghiệp mong muốn cần có những quy định rõ ràng trong việc đưa đón khách, quy định cơ quan đầu mối trong xử lý các tình huống.
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Goldentour chia sẻ, khi đón khách quốc tế, những quy định đối với các công ty du lịch cần hình thành rõ ràng, cần quy định rõ cơ quan quản lý du lịch là nơi xử lý những vấn đề liên quan đến đoàn khách trong phòng, chống dịch. Bởi hiện nay, nhiều địa phương còn chưa rành mạch về thông tin này giữa ngành Y tế và ngành Du lịch.
Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang dần thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Cùng với việc thu hút khách nội địa, từng bước đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, du lịch Hà Nội đang kỳ vọng sẽ có chuyển biến tốt trong năm mới 2022.