Theo quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành tối 23-7, toàn thành phố sẽ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày. Với nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Chủ tịch TP hà Nội yêu cầu: "Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu. Dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức trực tuyến".
Người dân thủ đô được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như mua lương thực, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác. Những người phải đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động thì được ra khỏi nhà.
Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Tất cả người dân thủ đô phải khai báo y tế hàng ngày trên tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác... liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế.
Các cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch. các cở sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...); chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội được hoạt động.
Hà Nội cho phép tang lễ tổ chức trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng.
Với các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu/cụm công nghiệp, phải đăng ký hoạt động với chính quyền, có phương án đảm bảo sản xuất an toàn phòng chống dịch, thời gian hoạt động sản xuất.
Chủ tịch UBND TP hà Nội yêu cầu Chủ tịch các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm toàn diện, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu/cụm công nghiệp, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân.
Yêu cầu các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, tập đoàn bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà. Những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở, như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật...
Hà Nội cũng dừng tất cả hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy, bao gồm xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa.
Dừng hoạt động xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ.
Tính từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ngày 27-4 đến nay, Hà Nội đã có 2 lần phải thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Đợt giãn cách xã hội trong tháng 4, Hà Nội đã thực hiện với thời gian gần 1 tháng.
5 ngày trước, vào ngày 19-7, Hà Nội đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 phòng, chống dịch Covid-19.
Những ngày qua, Hà Nội liên tiếp phát hiện các ca mắc mới, nhiều ổ dịch không rõ nguồn lây. Trong ngày 23-7, thành phố ghi nhận 70 ca nhiễm mới, ngày 22-7 là 64 ca, đây là những ngày có số ca mắc mới cao nhất trong đợt dịch thứ 4.
Tính từ 29-4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 879 ca bệnh, trong đó hơn 200 ca tại 2 bệnh viện tuyến trung ương. Riêng các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5-7 đến chiều 23-7 đã có 387 trường hợp.