Vào ngày 22-7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã ký Chỉ thị khẩn số 12, tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16. Theo đó, để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế, Chỉ thị 12 nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.
Tại hội nghị sơ kết 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn TPHCM chiều nay, 23-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Dương Anh Đức, cho biết dù đã áp dụng nhiều biện pháp, tình hình dịch bệnh tại thành phố vẫn diễn biến phức tạp, các ca bệnh vẫn tăng. Việc thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chỉ thị 16 được áp dụng toàn TPHCM từ 0h ngày 9-7. Theo đó, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ, đều tạm dừng hoạt động. Ngay cả các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng. Việc cung ứng đồ ăn sẵn chỉ còn các siêu thị thực hiện.
Riêng trong ngày 22-7, TPHCM có 2.046 bệnh nhân xuất viện.
Về xét nghiệm, hiện tổng số nhân sự lấy mẫu của thành phố là 4.456 người, gồm 2.228 đội. Do thay đổi phương thức lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, năng lực lấy mẫu hiện nay khoảng 150-200 mẫu/đội/ngày.
Tổng công suất lấy mẫu xét nghiệm tối đa mỗi ngày có thể đạt 334.000-445.000 mẫu. Từ 9-7 đến nay, thành phố đã lấy 1,6 triệu mẫu xét nghiệm, trong đó có 1,3 triệu mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh và hơn 291.000 xét nghiệm PCR.
Về điều trị cho bệnh nhân Covid-19, TPHCM đang thực hiện theo hệ thống 5 tầng. Tầng 1 chăm sóc F0 không triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định, không béo phì và được cách ly tập trung tại địa phương.
Tầng 2 là bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng.
TP đang có 13 bệnh viện được vận hành với khoảng 32.000 giường, đang sử dụng 26.957 giường.
Tầng 3 là bệnh viện điều trị Covid-19 với ca mắc có triệu chứng trung bình và nặng, hồi sức cấp cứu (thở máy) ca chuyển biến nặng. Hiện có 8 bệnh viện với 3.315 giường, hiện sử dụng 2.832 giường.
Tầng 4 điều trị ca mắc Covid-19 nặng có bệnh lý nền; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục). TP đang có 10 bệnh viện với khoảng 3.900 giường.
Tầng 5 là bệnh viện hồi sức Covid-19 được trang bị đầy đủ phương tiện hồi sức. Hiện, TP có 4 bệnh viện với tổng 2.000 giường.
Tổng nhân lực ngành y tế đang tham gia chống dịch tại thành phố là 14.129 người, trong đó Trung ương và các tỉnh, thành hỗ trợ 4.107 nhân sự.
Thành phố đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều vaccine đợt 5, với thời gian hoàn thành dự kiến trong 2-3 tuần, bắt đầu từ 22-7. Đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt này là người trên 65 tuổi và người mắc bệnh nền. Mỗi phường, xã có ít nhất 2 điểm tiêm, mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/ngày.