Đừng kỳ vọng không có vaccine mà mở cửa nền kinh tế, hoạt động bình thường
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Kinh tế thời đại dịch: Khi chiến lược thay đổi", ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, đánh giá kịch bản tích cực nhất trong 6 tháng cuối năm là chúng ta vẫn phòng chống được dịch và duy trì hoạt động sản xuất phục vụ cho xuất khẩu.
Điều kiện là, 150 triệu liều vaccine Chính phủ đã có được cam kết - 2/3 sẽ đến được Việt Nam từ nay đến cuối năm. Khi đó, ưu tiên tiêm cho các trung tâm kinh tế lớn, các vùng công nghiệp, trung tâm du lịch như Phú Quốc, Hội An, Quảng Ninh. Đến giữa năm 2022 thì sẽ đạt 70% dân số được tiêm.
"Đừng kỳ vọng không có vaccine mà mở cửa nền kinh tế, hoạt động hoàn toàn bình thường. Nhưng chúng ta có thể chấp nhận mỗi ngày vẫn có vài nghìn trường hợp bị nhiễm dù đã tiêm vaccine. Bởi đã tiêm vaccine thì rủi ro đến sức khỏe không lớn và chúng ta có thể mở cửa thị trường, kể cả hoạt động du lịch", ông Thành nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Thành cũng kỳ vọng sau khi kiện toàn bộ máy Nhà nước, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công sẽ tăng nhanh hỗ trợ cho tăng trưởng. Năm ngoái, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục đã hỗ trợ tốt cho tăng trưởng, tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay giải ngân đầu tư công chậm lại do dịch bệnh, bầu cử,.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh - ông Trần Trọng Kiên, ngoài xuất khẩu và đầu tư công, vấn đề quan trọng nữa là làm thế nào hấp thu được nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vì xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang rất tốt. Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được điều này là mở cửa lại biên giới càng sớm càng tốt.
"Kịch bản tốt nhất và hoàn toàn có thể xảy ra được là Việt Nam sẽ khống chế được đợt dịch lần thứ 4 này ở thời điểm phù hợp, cho phép mở cửa nhiều hơn, thử nghiệm tại các địa điểm quan trọng đối với cả du lịch cũng như đầu tư.
Cái quan trọng nhất là khi chúng ta đạt được ngưỡng trên 60 triệu người tiêm vaccine, chúng ta có thể mở cửa toàn bộ. Tôi tin rằng nhu cầu bị dồn nén rất cao, cộng với cả việc có nhiều người trên thế giới đang muốn được chi tiêu, sẽ tạo ra động lực rất tốt để tăng trưởng nhanh vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau", ông Kiên nhấn mạnh.
Covid-19 tạo ra cơ hội vô cùng lớn để Việt Nam vươn lên vượt qua các đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong khu vực
Đồng quan điểm, bà Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm Quan hệ lao động cho rằng, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, nhưng nó tạo ra cơ hội vô cùng lớn để Việt Nam vươn lên vượt qua các đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong khu vực.
Trong các ngành gỗ, da giày, thủy sản… chúng ta cũng có nhiều cơ hội vượt lên so với các đối thủ cũng đang khốn đốn vì Covid-19 như Trung Quốc, Campuchia…", bà Chi nhấn mạnh.
Nói thêm về kinh nghiệm của các nước trong việc tiêm vaccine phòng, chống Covid-19, bà Chi đã đưa ra 2 mô hình tiêm vaccine rất nhanh đó là Anh và Singapore.
Trong đó, chính phủ Anh lựa chọn cách tiếp cận là cho phép các hoạt động kinh tế trở lại một cách nhanh chóng, dẫn đến việc tỷ lệ mắc Covid-19 và tử vọng lại tăng trở lại
Ngược lại, Singapore cũng thực hiện tiêm vaccine rất nhanh và dự kiến tới tháng 8 có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, quốc gia này lại mở cửa một cách rất chậm, thận trọng và vẫn áp dụng truy vết.
"Tôi ủng hộ cách của Singapore hơn. Tôi cho rằng Việt Nam cũng có thể thực hiện tiêm vaccine nhanh nhưng đồng thời mở rộng thận trọng, áp dụng 5k và truy vết", bà Chi nói.