Kỳ kế hoạch quan trọng
Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, cũng như Dự thảo Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 vừa được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 3, Khóa XIII, trước khi được đưa ra Quốc hội thảo luận và thông qua.
“Đây là những kế hoạch hết sức quan trọng, rộng lớn, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 3.
Một kế hoạch có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là chặng đường 5 năm đầu năm Việt Nam thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, cũng là 5 năm đầu tiên thực hiện các khát vọng to lớn để đến năm 2025, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Và không quá khó để nhận ra, Covid-19 tiếp tục là một “ẩn số” lớn trong Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Ngay trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đề nghị Trung ương “phân tích, dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới dưới tác động của dịch Covid-19”, cũng như cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh mới trên thế giới.
“Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, khu vực, trong đó có nước ta; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị và tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển kinh tế theo hướng nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số, xã hội số...”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Thực tế, kể từ khi Covid-19 bùng phát từ đầu năm ngoái, kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù đạt được thành tựu không nhỏ là vẫn tăng trưởng dương 2,91% trong năm ngoái, song chính tốc độ tăng trưởng này đã ảnh hưởng tới việc hoàn thành mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2016-2020, và tất nhiên, cũng sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm tới, nhất là khi Covid-19 còn đang diễn biến rất phức tạp.
“Đợt bùng phát dịch lần thứ tư lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát, có thể còn tiếp tục kéo dài; thậm chí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Kinh tế - xã hội đất nước tuy tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra”, Tổng Bí thư đánh giá.
Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 5,64%. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 1,82% của cùng kỳ năm ngoái, nhưng thực tế vẫn ở mức thấp và không đạt mục tiêu đặt ra trong các kịch bản kinh tế được đưa ra trước đó.
Ngay sau khi con số này được công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, có hai kịch bản kinh tế đã được cập nhật. Theo đó, ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP quý III là 6,2%; quý IV là 6,5%; cả năm 6%. Ở kịch bản II, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, quý III dự kiến phải tăng trưởng 7%, quý IV là 7,5%.
“Như vậy, có thể nói, kế hoạch sắp tới là rất khó khăn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Điểm đáng chú ý, trong các kịch bản này, điều kiện kèm theo luôn là thời điểm khống chế được Covid-19, trong khi hiện tại, dịch bùng phát mạnh và phức tạp.
Thách thức và cơ hội
Việt Nam đã bắt đầu việc thực hiện 5 năm đầu tiên của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 trong khó khăn. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, mục tiêu trong vòng 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,5 - 7%/năm, trong khi ngay năm đầu tiên của Kế hoạch, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng đã là một thách thức lớn.
Thực tế, khi Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 bắt đầu được dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xác định, 2 năm đầu tiên là tập trung phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của Covid-19; 3 năm sau tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh mới.
Tuy nhiên, ngay trong năm 2021, kinh tế Việt Nam đã đối mặt với các thách thức không nhỏ, trong đó có nguy cơ tăng trưởng chậm lại. Thậm chí, khi báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhắc đến “rủi ro lỗi nhịp với nền kinh tế thế giới”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều nước phát triển đã chủ động về vắc-xin, nên họ kiểm soát được tình hình tốt hơn và sớm quay trở lại trạng thái bình thường, trong khi ở nhiều nước châu Á, đặc biệt Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, nguồn cung vắc-xin khó khăn, nên “rủi ro lỗi nhịp với nền kinh tế thế giới đã hiện hữu”.
Đây là điều rất đáng quan tâm. Ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế cũng đã nói rằng, nếu Việt Nam mở cửa chậm hơn các nước thì sẽ rất “gay go”. Chậm mở cửa tức là đà hồi phục kinh tế cũng chậm hơn, càng khó đón nhận các cơ hội khi trật tự, cấu trúc kinh tế thế giới thay đổi.
Chính vì vậy, thách thức với kỳ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 không chỉ là làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra trong bối cảnh năm đầu tiên đã gặp nhiều khó khăn, mà còn làm sao “đón đầu” các cơ hội mới. Cơ hội từ sự hồi phục của các nền kinh tế sau Covid-19, khi cấu trúc kinh tế thế giới biến đổi, các ngành nghề mới có thể được thiết lập, mà còn là cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ sự biến đổi của các xu hướng chính trị, an ninh toàn cầu…
Các chuyên gia kinh tế đã nhắc đến việc phải có “hành động lớn để không lỡ chuyến tàu lịch sử”. Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, phải tận dụng cơ hội “ngàn năm có một” này, không thể đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, một sân chơi mới sắp diễn ra nữa.
“Phải tranh thủ tận dụng nguồn lực con người để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn dân số vàng, trước khi chuyển sang giai đoạn già hóa dân số và thực trạng già trước khi giàu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Giai đoạn dân số vàng chính là giai đoạn 2021-2030, trọn một kỳ chiến lược 10 năm. Đây chính là giai đoạn mà Việt Nam cần tăng tốc, phát triển.