Hà Nội: Hàng ngàn hộ dân 'khát' nước dù ở cạnh 2 nhà máy nước lớn

(ĐTTCO) - Dù 2 nhà máy nước sạch quy mô ở kế cận nhưng hàng ngàn hộ dân sống của huyện Ba Vì đang khổ sở vì phải mua nước sinh hoạt với giá đắt chưa từng có do hàng loạt giếng khơi cạn trơ đáy. 
Hồ Suối Hai ở huyện Ba Vì đã cạn trơ dần đáy vào tháng 5-2023
Hồ Suối Hai ở huyện Ba Vì đã cạn trơ dần đáy vào tháng 5-2023

Gần 100.000 đồng/m3 nước

Nhiều người dân ở các xã Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Tòng Bạt… phản ánh với PV Báo SGGP rằng, bà con ở đây đang phải mua từng gáo, can, xô, chậu nước giếng khơi với giá lên tới 200.000-250.000 đồng/xe (khoảng 3m3). Anh Chu Văn Mừng (ở thôn Đông Phượng, xã Cẩm Lĩnh) nói, nhiều xã của huyện Ba Vì đến nay vẫn chưa có nước máy nên phải sử dụng nước giếng khơi, nhưng năm nay trời hạn, 80-90% giếng khơi trong vùng đã cạn trơ đáy.

Còn anh Đặng Xuân Thao, chủ một quán ăn ở thôn Đông Phượng, cho biết, tình trạng hạn hán đã xuất hiện từ đầu năm 2023 đến nay, người dân phải mua nước sạch do các nhà xe chở từ nơi khác đến bán với giá cao. Do giá nước đắt đỏ từng ngày, anh Thao buộc phải đóng cửa quán ăn.

Người dân phản ánh, ban đầu giá nước giếng chỉ 160.000 đồng/xe, nhưng gần đây tăng vọt lên 200.000 đồng/xe và bây giờ là 250.000 đồng/xe, mà còn phải “đặt hàng” trước từ 1 đến 3 ngày mới có.

Theo người dân, mất điện đã vất vả, không có nước sạch càng khổ sở hơn, cuộc sống bỗng dưng bị đảo lộn, nhất là trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Một số người dân ở xã Cẩm Lĩnh còn cho rằng, tình trạng giếng khơi đồng loạt cạn nước, ngoài nguyên nhân do thời tiết cực đoan thì có thể do dự án nạo vét lòng sông Tích chảy qua địa bàn đã “rút” sạch mạch nước ngầm của các giếng khơi.

Chưa đấu nối với nhà máy nước sạch

Trao đổi với PV Báo SGGP ngày 24-5, ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, thông tin, tình trạng thiếu nước sinh hoạt rất nghiêm trọng, hồ Suối Hai (diện tích mặt nước khoảng 10km2, sức chứa khoảng 100 triệu m3) trên địa bàn cũng đã cạn trơ đáy, nhiều hộ dân ở địa phương đang mua nước giếng khơi với giá gần 100.000 đồng/m3. “Ước tính đang có 1/3 dân số, tương đương hơn 1.000 hộ dân, của xã Cẩm Lĩnh bị thiếu nước sinh hoạt”, ông Khánh xác nhận.

Điều đáng nói là nhiều xã ở huyện Ba Vì như Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Tòng Bạt… đến nay vẫn đang phải dùng nước giếng khơi dù rất gần dòng sông Đà và ở giữa 2 nhà máy nước quy mô lớn của TP Hà Nội. Một dự án có tên “Nhà máy nước sạch Sông Đà Ba Vì” đặt tại xã Phú Sơn (Ba Vì - Hà Nội), do liên danh Công ty cổ phần Ao Vua và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước & môi trường Ba Vì đầu tư, công suất 10.000m3/ngày đêm.

Mục tiêu của dự án là đảm bảo cấp nước an toàn; đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục và đạt chất lượng nước ăn uống sinh hoạt theo quy chuẩn QCVN 01: 2009/BYT của Bộ Y tế cho toàn bộ người dân thuộc các xã chưa được cấp nước của huyện Ba Vì, nhưng đến nay vẫn chưa có đường ống đấu nối, cấp nước cho người dân.

Dự án thứ 2 là của CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Tổng Công ty Vinaconex), đặt tại xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Được biết, nguồn nước sạch sông Đà cung cấp cho các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức… của TP Hà Nội từ vùng thượng lưu sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình. Viwasupco là đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000m3/ ngày đêm.

Theo ông Khánh và nhiều người dân ở xã Cẩm Lĩnh, từ nhiều năm nay, địa phương đã triển khai dự án lắp đặt đường ống cấp nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà ở xã Phú Sơn (lân cận) về xã Cẩm Lĩnh, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được đấu nối với hệ thống. Khi các giếng khơi bị cạn, người dân chỉ còn biết trông đợi nguồn nước mưa, nhưng do El Nino, trời ít mưa, hoặc lượng không đủ, nên người dân thiếu nước sử dụng vào mùa hạn.

Dự báo, tình trạng hạn hán trong thời gian tới sẽ còn căng thẳng hơn, và người dân chưa biết khi nào hết “khát nước” dù sống gần 2 nhà máy nước.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn. Trong đó, tổ chức tích nước các hồ chứa, bảo đảm lượng nước tối đa theo công trình; khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trạng công trình cấp nước sạch nông thôn; ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu…

NGUYỄN TIẾN

Các tin khác