Vướng thủ tục pháp lý
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của TP lên tới 6.500 tấn/ngày, phần lớn được thu gom, xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Hà Nội hiện có 17 khu xử lý rác thải, nhưng 2 khu đã có chủ trương dừng hoạt động chôn lấp để trồng cây xanh là Kiêu Kỵ (Gia Lâm) và Vân Đình (Ứng Hòa).
Còn theo Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, hiện TP có 20 dự án xử lý rác thải. Trong đó, 5 dự án đã đi vào hoạt động, 5 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư, 1 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư, 1 dự án đã có quyết định đầu tư nhưng di chuyển địa điểm (dự án công nghệ cao tại khu xử lý Bắc Sơn), 2 dự án có chủ trương dừng chôn lấp để trồng cây xanh, 4 dự án đang được nghiên cứu đầu tư.
Nhiều năm qua, áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt đang là bài toán nan giải với Hà Nội. Chỉ tính riêng lượng rác thải hàng ngày chuyển lên khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), đã luôn ở mức trên 4.000 tấn/ngày, có thời điểm lên tới 6.000 tấn/ngày. Dù hiện nay khu xử lý chất thải Nam Sơn đã có nhà máy đốt rác Nedo được xây dựng theo công nghệ Nhật Bản, công suất đốt rác cũng chỉ đạt 75 tấn mỗi ngày/đêm, đồng nghĩa không thể xử lý hết số lượng rác thải lên đến hàng ngàn tấn/ngày.
Cuối năm 2017, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn hơn 7.000 tỷ đồng, khởi công vào năm 2018 với thời gian xây dựng 21 tháng. Với công suất tiêu thụ 4.000 tấn rác mỗi ngày/đêm, Nhà máy điện rác Sóc Sơn được kỳ vọng sẽ giải quyết xử lý rác thải rắn sinh hoạt cho 9 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành (Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh và Sóc Sơn).
Theo tính toán, với công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học (ghi di động) của Bỉ với 3 tổ máy tuabin hơi nước, công nghệ đốt rác sẽ tận thu nhiệt để phát điện phục vụ cho chính nhà máy và bán điện cho điện lực quốc gia. Dự kiến lượng rác được đốt sẽ tạo ra khoảng 75MW điện mỗi giờ; các thành phần chất thải trơ, tro xỉ được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng.
Thế nhưng, đến nay sau gần 2 năm kể từ khi được phê duyệt và triển khai, dự án này mới giải quyết xong khâu giải phóng mặt bằng. Giải thích sự chậm trễ này, ông Vũ Văn Định, Phó Giám đốc CTCP Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội, chủ đầu tư dự án, cho rằng đơn vị đang gặp khó khăn, vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý nên chưa thể tiến hành xây dựng nhà máy ngay được.
Quy hoạch chồng chéo
Bên cạnh áp lực về xử lý rác thải rắn sinh hoạt, việc quy hoạch các dự án xây dựng khu xử lý rác thải sao cho hợp lý, đang là thách thức lớn với Hà Nội, đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng, tránh phá vỡ quy hoạch chung. GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường |
Trong khi dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn vẫn đang giậm chân tại chỗ, một số dự án về mở rộng, cải tạo, nâng cấp xử lý rác thải khác vẫn còn dang dở, UBND TP Hà Nội tiếp tục báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh bổ sung cục bộ về xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì). Đáng chú ý, nơi này cũng từng được quy hoạch làm khu xử lý rác thải, nhưng do không phù hợp đã phải điều chỉnh.
Cụ thể, năm 2002, Hà Nội giao 14,96ha tại xã Tả Thanh Oai cho Công ty TNHH MTV Cơ điện Công trình thực hiện đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải đô thị. Sau khi dự án được phê duyệt, do tốc độ đô thị hóa khu vực tăng nhanh, nhất là việc sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, đã khiến vị trí này đã trở thành khu lõi của TP, có nghĩa việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại đây không còn phù hợp.
Ngày 26-7-2011, Chính phủ ban hành Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, vị trí trên nằm trong quy hoạch phân khu S5 (đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định 695/QĐ-UBND ngày 30-1-2011) có chức năng là dự án nằm trong vành đai xanh, có kiểm soát đặc biệt, khuyến khích chuyển đổi theo chức năng sinh thái mật độ thấp, thực hiện theo quy chế kiểm soát thuộc vành đai xanh.
Tiếp đó, ngày 17-1-2013 UBND TP Hà Nội có Văn bản 584/UBND-KH&ĐT, trong đó chấp thuận chủ trương cho phép Công ty TNHH MTV Cơ điện Công trình và CTCP Phát triển tài nguyên Đông Dương (đơn vị liên danh) cùng nghiên cứu lập dự án theo quy hoạch.
Như vậy, việc đề xuất xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải tại khu vực Tả Thanh Oai của UBND TP Hà Nội đã có sự chồng chéo về quy hoạch, cụ thể chồng lấn lên quy hoạch đô thị chung của thủ đô đã được Chính phủ phê duyệt trước đó.