Chiều 4/1, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về việc đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông cho biết qua kiểm tra hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường cuối năm và Chỉ thị 15 của Bộ Công Thương về đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu cho thấy, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bão lũ nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng thấp hơn so với nhiều năm trở lại đây (chỉ tăng 2,62%).
Tuy nhiên, Hà Nội là một trong những điểm sáng về thị trường trong nước. Trong khi doanh thu bán lẻ hàng hóa của Đà Nẵng giảm 1,2% thì mức tăng của Hà Nội xấp xỉ bằng mức tăng của cả nước.
Theo ông Đông, Hà Nội làm rất tốt trong việc phát triển thị trường trong nước; có kế hoạch triển khai kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 rất kịp thời. Khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương có chỉ thị yêu cầu các địa phương tăng cường kích cầu nội địa đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, Hà Nội đã tổ chức rất nhiều hoạt động như Tháng khuyến mại, hội chợ... đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương thành phố Hà Nội, cho biết Hà Nội thực hiện chương trình bình ổn thị trường bắt đầu từ tháng 5/2020 đến tháng 6/2021; trong đó có cả kế hoạch phục vụ tết năm 2021. Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa, thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ Công Thương, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham gia thực hiện.
Đến nay, Hà Nội đã có 30 quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, 13 nhóm mặt hàng thiết yếu được các doanh nghiệp dự trữ, với tổng mức 39.400 tỷ đồng.
Ngoài sự phân bổ theo yêu cầu của Sở Công Thương Hà Nội các doanh nghiệp cũng đã có mức dự trữ tăng gấp 2-3 lần so với chỉ đạo chung của thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, việc thu hút doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại kiểm soát giá cả trong tăng giảm giá.
Mặc dù, Hà Nội đã có hướng dẫn cụ thể, nhưng trong việc cung ứng hàng, quy định điểm dừng, điểm đỗ vẫn phải theo quy định chung, do đó, nếu không vào ban đêm thì cũng gặp khó khăn; việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng gặp vướng mắc về thủ tục giấy tờ do quy định từ phía ngân hàng.
Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết 12 năm tham gia chương trình bình ổn thị trường, nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội, qua kích cầu thị trường, kết hợp với các tỉnh, trong đó có Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng và gần đây nhất là Đồng Tháp, tổng công ty có nguồn hàng ổn định tại các tỉnh.
Từ tháng 5 đến nay, Tổng công ty đã cam kết dự trữ nguồn hàng lên tới 1.000 tỷ đồng, riêng đợt tết là 200 tỷ đồng tập trung 13 mặt hàng bình ổn; xuất nhập khẩu, thương mại nội địa, trong khi xuất khẩu giảm thì nội địa tăng, đến nay đã có gần 100 địa điểm trên địa bàn Hà Nội, đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên công ăn việc làm.
Dự kiến đến 2021, Tổng công ty sẽ đạt 100 địa điểm cửa hàng tiện ích và siêu thị hapro... trong đó hàng Việt Nam chiếm 80% còn lại nhập khẩu, cam kết cung ứng đủ hàng hóa phục vụ cho nhân dân. Tết cổ truyền, mặc dù là có dịch bệnh xảy ra nhưng kỳ vọng sức mua của người tiêu dùng tương đương năm ngoái (năm ngoái 850 tỷ đồng).
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc BRG cho biết năm 2020 là năm khó khăn đối với hoạt động kinh doanh, nhưng công ty vẫn chỉ đạo mở rộng điểm bán với tốc độ nhanh, riêng tháng vừa rồi trung bình mở 10-15 điểm bán mới, so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 3 lần. Trong tháng tới, công ty sẽ mở thêm 8 điểm tại Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia các hoạt động kết nối cung cầu với các địa phương, đưa sản phẩm vùng miền, OCOP vào siêu thị. Chương trình kích cầu tiêu dùng như Hà Nội đêm không ngủ, tổ chức các điểm bán doanh thu tăng gấp 3-4 lần so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, xác định lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết) gồm gạo 292.500 tấn; thịt lợn 56.700 tấn; thịt gà 18.900 tấn; thịt bò 18.459 tấn; trứng gia cầm 396 triệu quả; rau củ 315.000 tấn; thực phẩm chế biến 11.114 tấn; thủy hải sản 15.740 tấn; trái cây 156.000 tấn. Đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thời điểm hiện tại như sau: Gạo đáp ứng 57,7%; thịt lợn 92%; thịt gà cơ bản đáp ứng nhu cầu...
Các đơn vị trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7% đến 22% so với kế hoạch Tết 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết.
Tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông đề nghị Sở Công Thương Hà Nội cùng các sở, ban, ngành, doanh nghiệp tham gia thực hiện tốt các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ chất lượng, đến lưu thông phân phối, cũng như Sở Công Thương Hà Nội cần theo dõi sát diễn biến thị trường cuối năm để có được kịch bản ứng phó kịp thời không để xảy ra bất ổn thị trường.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng cần điều tiết lượng cung, kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước không để giá lợn tăng nóng, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Đồng thời, Sở cũng phải kiểm soát tốt việc nhập khẩu, chất lượng hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, Sở phải chia sẻ thông tin với các cơ quan quan thông tấn báo chí, làm tốt truyền thông, hàng hóa chuẩn bị đầy đủ...