Hà Nội quy hoạch xây dựng chợ dân sinh, xóa chợ tạm, chợ cóc

(ĐTTCO)-Trên địa bàn thành phố Hà Nội còn 31 chợ cóc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ảnh hưởng đến giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
Hà Nội quy hoạch xây dựng chợ dân sinh, xóa chợ tạm, chợ cóc

Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về công thương cấp huyện trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chiều 27/7, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện quan tâm quy hoạch xây dựng chợ dân sinh, từ đó có phương án quyết liệt cấm chợ cóc, chợ tạm hoạt động.

Đồng thời, thành phố sẽ thanh, kiểm tra nếu địa phương nào còn để tồn tại chợ cóc, chợ tạm. Trước mắt, các quận, huyện đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, quản lý hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại; quy hoạch đồng bộ các hệ thống chợ và có cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư. 

Đối với những chợ đã kêu gọi được xã hội hóa đầu tư cần nhanh chóng thực hiện. Những địa phương còn khó khăn vướng mắc về quy hoạch chợ, cần xây dựng kế hoạch, đầu tư bằng ngân sách để nâng cao hạ tầng thương mại, cơ sở cho các vùng này, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn quận, huyện giai đoạn 2022-2025; tiếp tục phối hợp, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch số 228/KH-Ủy ban Nhân dân của Ủy ban Nhân dân thành phố về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, rà soát, lập danh mục 20 chợ tiêu biểu, khả thi để đưa vào Kế hoạch theo dõi trên cơ sở chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy tại văn bản số 2149/SCT-QLTM; phối hợp với các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng rà soát, đánh giá các tiêu chí xây dựng huyện thành quận; hoàn thiện hồ sơ đề xuất phân hạng chợ La Khê, phường La Khê, quận Hà Đông; phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng tại chợ Bưởi…

Về giải tỏa chợ cóc, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, thống kê, kiểm tra, xử lý và tổ chức giải tỏa các tụ điểm, chợ cóc và hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông…

Qua tổng hợp báo cáo của Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, trên địa bàn thành phố còn 31 chợ cóc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ảnh hưởng đến giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, hầu hết các chợ trên địa bàn do xây dựng từ lâu, việc cải tạo, nâng cấp còn hạn chế nên cơ sở vật chất, hạ tầng tại chợ xuống cấp nghiêm trọng.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng chợ xuống cấp; tiến độ đầu tư xây dựng các công trình điện trọng điểm còn chậm…

Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện đã kiến nghị các vấn đề liên quan đến quản lý quy hoạch chợ, những vướng mắc về cơ chế chính sách, thu hút đầu tư trong xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa chợ; chuyển đổi mô hình kinh doanh tại các chợ; vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết, việc quy hoạch chợ trong quận khá ổn định. Một số điểm chợ cóc, chợ tạm khi phát sinh luôn được giải quyết kịp thời…

Tuy nhiên, khó khăn là việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đầu vào, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ.

Do đó, quận Hoàn Kiếm đề nghị Sở Công Thương phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh nên lấy thực phẩm từ các đơn vị cung cấp đủ tiêu chuẩn, rõ nguồn gốc xuất xứ, giúp sản xuất kinh doanh trên địa bàn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng quan điểm này, ông Ngô Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa chia sẻ, việc triển khai đề án quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt tại các chợ trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Hiện nay, huyện có 23 chợ; trong đó có 1 chợ phân hạng I, 21 chợ phân hạng III, 1 chợ chưa được phân hạng…

Đa số các chợ trong huyện đều họp rất sớm và theo phiên nên việc lấy mẫu xét nghiệm, kiểm soát thực phẩm gặp nhiều khó khăn…

Huyện đề nghị thành phố, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; kinh phí xây dựng lắp đặt các nhà trạm kiểm soát hàng hóa vào chợ…

Hiện chợ đầu mối có quy mô mang tính chất cấp vùng, phục vụ trong nước và hướng tới xuất khẩu còn thiếu.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các địa phương tiếp tục thúc đẩy chợ đầu mối như chợ Yên Thường, huyện Gia Lâm, nơi đầu mối kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp thực phẩm cho nhiều vùng, địa phương.

Bên cạnh đó, sớm xây dựng khu outlet tại khu vực Đông Anh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách quốc tế; đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số trong vấn đề thương mại.

Các tin khác