Tại Hà Nội, nhiều năm nay vẫn tồn tại một nghịch lý là nhiều nơi để đất hoang hóa, dự án bỏ không, trong khi đất xây trường học khan hiếm. Thậm chí có nơi đất được quy hoạch xây dựng trường học đã giao cho chủ đầu tư cách đây 20 năm nhưng vẫn chưa triển khai.
Vì thế câu chuyện quá tải trường lớp, thiếu trường ở một số địa bàn đang diễn ra phổ biến không chỉ ở quận Hoàng Mai mà tại nhiều quận nội thành Hà Nội.
Mới đây, người đứng đầu chính quyền Hà Nội ông Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo quận Hoàng Mai thu hồi 7 ô đất quy hoạch xây dựng trường học để đầu tư trường công lập, chấm dứt cảnh bốc thăm giành suất học. Đây là động thái tích cực cho thấy sự quyết liệt trong giải bài toán hạ tầng xã hội, đặc biệt là trường học của bộ máy chính quyền mới.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Để giải quyết tình trạng này, đầu năm nay HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, rà soát từng dự án chậm tiến độ, chậm triển khai do điều chỉnh quy hoạch, đồng thời rà soát các dự án chây ì nợ lớn.
Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, Hà Nội cần chủ động rà soát từng dự án và có hướng giải quyết rốt ráo, phân nhóm vấn đề để tháo gỡ, cũng như làm rõ nguyên nhân nhân cụ thể đang vướng trong từng dự án, để gỡ cho bằng được.
Không thể để lãng phí tài nguyên thêm, cũng không để đến khi học sinh phải bốc thăm đến trường thì mới đi rà soát xem trên địa bàn đó đất đang thừa thiếu, hoang hóa ra sao, như chuyện ở Hoàng Mai.
Bên cạnh đó Hà Nội cần tăng cường kỷ cương trong quản lý đầu tư và sử dụng đất đai, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đầu mối giải quyết và xử lý. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát từ nhân dân, muốn vậy, các thông tin về đầu tư, quy hoạch cần phải công khai minh bạch, được phổ biến rộng rãi để người dân nắm rõ và giám sát.
Về lâu dài, Chính phủ cần cải cách triệt để chính sách đất đai và phát triển thị trường bất động sản, sao cho người dân được tiếp cận nhà ở, trẻ em có quyền tiếp cận trường học, không còn tình trạng đầu cơ, có đất nhưng để hoang hóa theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về đất đai.
Rất mừng là mới đây dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường, sẽ gỡ được nút thắt giá đền bù.
Thủ tướng cũng đang đốc thúc các địa phương xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể các ngành đảm bảo tính đồng bộ, tương hỗ lẫn nhau và đặc biệt tạo điều kiện cho đất đai được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Cùng với việc “vá” lỗ hổng pháp lý và mạnh tay trong việc xử lý, thu hồi hàng loạt dự án treo, hy vọng tình trạng hoang hóa, lãng phí đất đai tại Hà Nội sẽ được xử lý dứt điểm.