Theo tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến ngày 24-10, trên địa bàn Hà Nội có thêm 14 dự án nhà ở với 12.260 căn hộ cao tầng và thấp tầng đủ điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản.
Cụ thể là các dự án: Khu văn phòng và nhà ở thấp tầng Langs Village (82 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa), chủ đầu tư Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Bưu Điện, gồm 11 căn thấp tầng; nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm), chủ đầu tư Liên danh Công ty cổ phần xây dựng và phát triển nhà DAC Hà Nội và Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển nhà Hà Nội, 65 căn thấp tầng; Tòa nhà ở xã hội CT-05, CT-06 thuộc dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm-Đại Thịnh 2 (Thanh Lâm-Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh), chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị với 214 căn hộ cao tầng.
Cùng đó là Khu nhà ở thương mại Vạn Xuân (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm), chủ đầu tư Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 4 - Vạn Xuân, 37 căn thấp tầng; Dự án xây dựng nhà ở liền kề thương mại phố xanh (Xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm), chủ đầu tư Công ty CP Tập đoàn Xây lắp 1 - Petrolimex với 134 căn thấp tầng; Tòa L39M.1 và L39.1 thuộc lô đất F4-CH02 của dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ-Vinhomes Park (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), của Công ty CP Tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO gồm 1.332 căn hộ cao tầng; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ và nhà ở thấp tầng Sunshine Crystal River (Ô đất ký hiệu CT01 thuộc Khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn III, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), chủ đầu tư Công ty CP Bất động sản Wonderland với 955 căn hộ cao tầng và 60 căn thấp tầng.
Bên cạnh đó là Khu nhà ở thấp tầng (lô LKV-21; LKV-22A; LKV-22B) thuộc dự án Khu đô thị HUD - Sơn Tây do Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị làm chủ đầu tư tại phường Trung Hưng với 84 căn thấp tầng; Nhà ở thấp tầng tại các ô đất thấp tầng ký hiệu A4-TT01 đến A4-TT59; A5- TT01 đến A5-TT33; A7-TT01 đến A7-TT36 của dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh, chủ đầu tư Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam, gồm 4.147 căn thấp tầng; Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận-Tây Thăng Long tại ô đất TT-07 (trước đây là ô đất CT04 khu chức năng đô thị Tây Tựu, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm), chủ đầu tư Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ, 90 căn thấp tầng; Tòa chung cư Z38M.1 (GS5) và Z38M.2 (GS6) thuộc lô đất F3-CH01 của dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ-Đại Mỗ-Vinhomes Park (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư xây dựng Thái Sơn, 1.149 căn hộ cao tầng.
Ngoài ra còn có Tòa chung cư Z29M.1, Z29.1, L30.1, L30M.1 thuộc dự án xây dựng các khu chức năng tại lô đất C3-CH01, C3-CH02, C3-CH03, C3-CX01 và C3-CX02 thuộc dự án khu đô thị mới Tây Mỗ-Đại Mỗ-Vinhomes Park (phường Tây Mỗ và phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm), chủ đầu tư Công ty TNHH Thương mại và Phát triển kinh doanh Ánh Sao, 1.600 căn cao tầng; Tòa chung cư Z35.1, Z35M.2, Z35M.1, Z34M.1, U35.1 thuộc lô đất C3-CH01, C3-CH02, C3-CH03, C3-CX01, C3-CX02 thuộc dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ-Đại Mỗ-Vinhomes Park (địa điểm tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), chủ đầu tư Công ty TNHH Thương mại và phát triển kinh doanh Ánh Sao, 2.347 căn cao tầng và 35 căn thương mại dịch vụ; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng để bán tại Tổ dân phố Kiên Thành, Thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, chủ đầu tư Công ty CP Xây dựng nhà Thủ Đô.
Hiện việc quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần giải quyết.
Nhiều dự án bất động sản chậm tiến độ, chậm triển khai, trong khi nguồn lực mà doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án là rất lớn, gây lãng phí về đất đai, nguồn vốn và làm tăng giá bán.
Cụ thể, tại Hà Nội có 404 dự án gặp vướng mắc, đã xử lý 158, tiếp tục xử lý đối với 246 dự án. Đáng chú ý, khoảng 3 năm gần đây, thực trạng phát triển các dự án bất động sản tại Hà Nội rất chậm, không có dự án mới được phê duyệt đầu tư.
Hà Nội mới đạt 9% chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ.
Năm 2024, tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội chỉ đạt 30%. Sản phẩm nhà ở mới được chào bán chủ yếu là dự án đã phê duyệt từ giai đoạn trước; trong khi đó, giai đoạn 2022-2023, giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân và chủ yếu là phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết thành phố hiện có 56 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội triển khai trong giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 3 triệu m2 sàn.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung tại các huyện: Gia Lâm (1 dự án), Thanh Trì (1 dự án) và Đông Anh (3 dự án) vẫn còn đang chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân.
Thị trường bất động sản Hà Nội thời gian gần đây có những biến động mạnh. Xu hướng thay đổi về giá cả và nguồn cung trên các phân khúc khác nhau, từ chung cư, nhà đất dự án đến đất nền vùng ven đô đã tạo ra những chuyển động đáng chú ý.
Cơ hội sở hữu nhà ở của những người dân có điều kiện tài chính còn eo hẹp càng trở nên khó khăn khi giá nhà đất vẫn leo thang ở mức rất cao.
Khoảng 1 năm trở lại đây, giá chung cư và bất động sản nội đô Hà Nội đã tăng 40-50%, thậm chí gấp đôi. Nhưng chính bởi rất nhiều "chuyên gia mạng" với những bài viết về "sốt ảo," "ngáo giá"... khiến quá nhiều người chần chừ và để tuột mất cơ hội mua nhà khi giá còn ở mức chưa tăng mạnh.
Dự kiến, quý 4-2024, nguồn cung căn hộ mới tăng mạnh với khoảng 9.700 căn mở bán nhưng chủ yếu thuộc phân khúc hạng trung và cao cấp với giá bán tiếp tục tăng nhẹ; phân khúc nhà ở bình dân vẫn khan hiếm.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, với sự ra đời của các luật mới như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Đấu thầu, thị trường bất động sản dự kiến sẽ có những bước phát triển ổn định và minh bạch hơn trong tương lai.