Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã có nhiều tín hiệu tốt song vẫn tiềm ẩn không ít nguy cơ, không thể chủ quan.
Linh hoạt, thận trọng là những vấn đề đặt ra với du lịch Hà Nội khi ngành này đang tiến đến gần thời điểm đón khách trở lại.
Ngành Du lịch Thủ đô đang xây dựng nhiều phương án, kịch bản tái mở cửa nhằm đón khách một cách hiệu quả, trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho du khách và những người làm du lịch.
Kết nối tạo sản phẩm an toàn
Du lịch được biết đến là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng. Hơn lúc nào hết, việc liên kết giữa các địa phương, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm tối ưu việc đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch đều nhận được sự thống nhất cao từ phía doanh nghiệp lữ hành cũng như cơ quan quản lý.
Trong số đó, vấn đề đầu tiên là phải kết nối du khách với người lao động trong ngành du lịch để cùng đảm bảo an toàn.
Tiếp đến, muốn có sản phẩm du lịch an toàn cần kết nối những điểm an toàn, các dịch vụ an toàn với nhau.
Như vậy, người tham gia trong hoạt động du lịch và khách du lịch phải đáp ứng các tiêu chí an toàn mới kết nối được.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, khẳng định để kết nối du lịch an toàn cần có sự tham gia của các ban, ngành, bên cạnh nỗ lực của ngành du lịch. Bởi trong lúc này, điều kiện đi lại trong và ngoài tỉnh, thành phố, thông tin các vùng "xanh, đỏ, vàng" phục vụ hoạt động du lịch, độ phủ vaccine cho người lao động trong ngành du lịch… rất quan trọng đối với du khách. Trong khi đó, giải quyết được vấn đề này cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội nhấn mạnh để tổ chức việc đón khách trong thời gian tới rất cần sự kết nối giữa các cơ quan quản lý địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam với các Hiệp hội Du lịch địa phương, đơn vị cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp lữ hành.
Trong chuỗi dịch vụ du lịch được thiết kế gồm: vận chuyển, lưu trú, điểm tham quan…, vai trò của hãng lữ hành rất lớn trong việc kết nối dịch vụ và kiểm soát dịch vụ một cách an toàn.
Đứng trên góc độ của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Vietrantour, đề xuất các địa phương cùng đồng hành với doanh nghiệp trong việc lựa chọn điểm đến. Do khoảng cách các vùng "xanh, vàng, đỏ" gần nhau, các địa phương cần đưa ra điểm đến thật sự an toàn để tạo tâm lý tốt cho khách; đồng thời không nên xây dựng quá nhiều sản phẩm trong thời gian này mà cần lựa chọn điểm tiêu biểu. Những điểm được chọn cần tập trung thực hiện các quy trình đảm bảo an toàn và triển khai công tác quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch.
“Du lịch đã bị tổn thương quá nhiều do dịch bệnh nhưng không thể không bắt đầu lại, vì chúng tôi tin mọi việc sẽ tốt đẹp. Điều cần thiết hiện nay, cần định vị tâm lý cho du khách để họ có niềm tin đi du lịch trở lại. Vì vậy, phải cùng nhau xây dựng lại từ những viên gạch đầu tiên với sự phối hợp của các đơn vị lữ hành, địa phương, nhà cung cấp dịch vụ một cách an toàn,” bà Nguyễn Thị Nguyễn bày tỏ.
Các địa phương, doanh nghiệp cho rằng việc kết nối những vùng an toàn với nhau là cần thiết nhưng kết nối ra sao mới là vấn đề đặt ra. Cũng từ đó, cả doanh nghiệp và địa phương cùng đề xuất ngành Du lịch cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để soi chiếu vào đó thực hiện, đảm bảo tính thống nhất.
Một mặt, các doanh nghiệp mong muốn địa phương cần có danh sách đơn vị, điểm đến, khách sạn, nhà hàng, đồng hành xây dựng sản phẩm du lịch an toàn.
Kịch bản mở cửa du lịch Hà Nội
Chuẩn bị điều kiện mở cửa đón khách nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách và các cơ sở du lịch là ưu tiên hàng đầu của ngành Du lịch Thủ đô hiện nay.
Cả cơ quan quản lý du lịch cũng như các doanh nghiệp xác định không thể chậm trễ hơn, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch bị ngưng trệ thời gian dài. Hiện thành phố đang xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch gắn với phòng, chống dịch COVID-19 từ nay đến cuối năm.
Khi hoàn thành, đây là căn cứ quan trọng giúp ngành du lịch Hà Nội tái khởi động việc mở cửa, doanh nghiệp du lịch bắt đầu phục hồi hoạt động thu hút khách, tổ chức dịch vụ du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết Sở đã xây dựng, đề xuất các giai đoạn mở cửa du lịch dựa trên hướng dẫn “thích ứng an toàn với dịch COVID-19” của Bộ Y tế, gắn với 4 giai đoạn.
Trong tháng 10 này, nếu được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép ngành du lịch sẽ triển khai mở cửa theo 3 giai đoạn, cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số dịch vụ đi kèm như spa, phòng gym, karaoke…vẫn bị hạn chế. Giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố.
Sau khi thành phố chuyển sang giai đoạn "bình thường mới," Sở sẽ đánh giá tình hình và kiến nghị tiếp tục mở cửa du lịch theo giai đoạn 4, cho phép doanh nghiệp du lịch hoạt động lại bình thường, được đón khách tại các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh.
Đồng thời, Sở yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động nắm bắt tình hình, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.
Khi mở cửa đón khách trở lại, ngành Du lịch Hà Nội tập trung xây dựng điểm đến an toàn và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin làm đa dạng các sản phẩm mới phục vụ thu hút khách du lịch nội địa. Sở Du lịch chủ trì thí điểm xây dựng các điểm đến an toàn, để từ đó nhân rộng.
Một mặt, Sở thúc đẩy liên kết phát triển du lịch nông thôn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, sắp tới, cơ quan này sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn đối với cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch.
Bộ tiêu chí sẽ quy định chi tiết tiêu chí, quy trình an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đối với các đơn vị. Xây dựng các điểm du lịch "xanh," cơ sở lưu trú "xanh," dịch vụ "xanh" đảm bảo sức khỏe, an toàn cao nhất cho cộng đồng, du khách và đơn vị du lịch.
Tổng cục Du lịch vừa tổ chức hội nghị "Tái khởi động du lịch," Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình "Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19" nhằm triển khai các giải pháp phục hồi du lịch theo lộ trình mở cửa an toàn.
Hiệp hội Du lịch các địa phương, câu lạc bộ lữ hành tổ chức buổi tọa đàm nhằm tìm giải pháp phù hợp để khôi phục lại hoạt động du lịch.
Các hãng lữ hành, điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch đã sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị mọi điều kiện để đón khách một cách an toàn, hiệu quả, cùng du lịch cả nước từng bước vượt qua đại dịch.