Hạ tầng giao thông, đòn bẩy phát triển TPHCM

(ĐTTCO)-Hạ tầng giao thông của TPHCM đang ở trong tình trạng quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của một TP được xem là đầu tàu kinh tế cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây chính quyền TP đã nỗ lực khắc phục điểm nghẽn này.

Cầu Nguyễn Văn Cừ bắc qua kênh Tàu Hủ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cầu Nguyễn Văn Cừ bắc qua kênh Tàu Hủ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hàng chục ngàn tỷ đồng nâng cấp hạ tầng
Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) TPHCM vừa kiến nghị UBND TP sớm triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn. Qua rà soát, Sở GTVT đề xuất triển khai 6 dự án với tổng vốn hơn 27.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông trục chính phục vụ vận tải kết nối các khu vực cửa khẩu cảng biển.
Cụ thể, dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng gần 2.100 tỷ đồng. 
Dự án này trước đó đã hoàn thành giai đoạn 1 tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng, với một số hạng mục như cầu Kỳ Hà 3 dài 75m (4 làn xe); hầm chui rẽ trái từ đường Vành đai 2 đi cảng Cát Lái dài 505m (2 làn xe), cầu vượt trên đường Vành đai 2 (4 làn xe)...
Giai đoạn 2 dự án nút giao Mỹ Thủy sẽ xây cầu vượt cho xe rẽ trái theo hướng từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ (2 làn xe); cầu Kỳ Hà 4 nằm trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về cảng Cát Lái (4 làn xe)…
Dự án Vành đai 2 dài hơn 6km gồm 2 đoạn: đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), dài 3,5km, xây dựng 2 đường song hành 2 bên 6 làn xe, tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) 7.300 tỷ đồng.
Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), dài 2,5km, xây dựng 2 đường song hành 2 bên 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB 3.361 tỷ đồng. 
Dự án xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam, từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (quận 7, huyện Nhà Bè) dài 6,7km, mở rộng thêm 2 làn xe để hoàn chỉnh theo quy hoạch rộng 60m, 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, xây dựng hoàn thiện tuyến vành đai phía Đông, từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) dài 2,9km với 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Xây dựng hoàn thiện tuyến vành đai phía Đông, từ nút giao Mỹ Thủy đến đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) dài 2,2km với 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT, các dự án triển khai sẽ tạo đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh TP sẽ triển khai Đề án "Thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP" từ ngày 1-7 tới. Cả 6 dự án trên đều được Sở GTVT đề xuất lập chủ trương đầu tư công.
Do đó, sở kiến nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) ưu tiên cân đối, bố trí vốn đối với các dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong trường hợp khó cân đối vốn, TP giao Sở KH-ĐT phối hợp Sở Tài chính, UBND các quận, huyện rà soát và đề xuất UBND TP ngưng hoặc giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án đã thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa được đầu tư và chưa mang tính cấp bách, ưu tiên nguồn lực đầu tư 6 dự án nêu trên.

Cần đầu tư mạnh hơn nữa
Trước mắt tập trung đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông có tính chất động lực, lan tỏa, tăng cường khả năng kết nối giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng.
TS. Lương Hoài Nam,
chuyên gia về giao thông
TS. Lê Đỗ Mười, chuyên gia về hạ tầng giao thông, cho biết những năm gần đây hạ tầng giao thông kết nối giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng được đẩy mạnh, nhiều khu đô thị mới được hình thành với tốc độ phát triển nhanh chóng.
Sự phát triển về hạ tầng, kéo theo dòng đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận, giúp TPHCM giải tỏa được áp lực gia tăng dân số và đô thị hóa.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, đặc biệt ở các khu đô thị vệ tinh phía Đông như Bình Dương, Đồng Nai phát triển khá nhanh khiến hạ tầng trở nên quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực cửa ngõ dẫn vào TP. 
Theo quy hoạch các tuyến kết nối TPHCM với các tỉnh trong vùng bao gồm 5 trục (quốc lộ và cao tốc song hành), hiện nay ngoài trục kết nối với các tỉnh khu vực phía Đông (Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc - Nam) được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, các trục còn lại hiện chỉ khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ, các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai.
Các tuyến Vành đai 2, 3 và 4 đều đầu tư chậm, không đảm bảo tiến độ theo quy hoạch, chưa khép kín, đặc biệt tuyến đường Vành đai 3 với vai trò giảm tải lưu lượng di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm và hỗ trợ kết nối với khu vực Tây Nam bộ, gây ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ và trục kết nối.
Cùng với đó, các tuyến giao thông kết nối tới các cửa khẩu quốc tế đều phụ thuộc vào hệ thống quốc lộ hiện hữu (22, 22B và 13), không đáp ứng nhu cầu vận tải.
TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia về giao thông, cho rằng nguyên nhân đất dành cho giao thông của TPHCM còn quá khiêm tốn do hạn chế nguồn đầu tư và tầm nhìn quy hoạch chưa đúng mức. Để phát huy lợi thế của vùng TPHCM, giúp giãn dân và giảm áp lực hạ tầng, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến trục kết nối với TP.
Cụ thể, đối với kết cấu hạ tầng đường bộ, hoàn thiện hệ thống đường vành đai gắn kết với chuỗi đô thị vệ tinh; tập trung đầu tư hoàn thiện 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 456km phục vụ kết nối vùng, trong đó ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến kết nối trực tiếp với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ khép kín hệ thống đường vành đai TPHCM: hoàn thành Vành đai 2 trước năm 2023, Vành đai 3 và 4 trước năm 2030; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cải tạo 10 tuyến đường bộ trong vùng tổng chiều dài 785km, đồng thời nghiên cứu triển khai đầu tư 3 tuyến giao thông quan trọng kết nối với sân bay Long Thành… 

Các tin khác