Trong khi đó, tại một số núi ở xã Hương Liên (huyện Hương Khê) và xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) cũng xuất hiện tình trạng nứt, sạt lở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Khu vực xuất hiện các đường nứt toác nằm trên lưng chừng núi Rú Dầu, xã Hòa Lạc. Xung quanh có nhiều vị trí đất đã sụt lún, sạt lở, khoét hàm ếch, nhiều cây cối bật trơ gốc.
Ông Phan Văn Lương (SN 1970), nhà ở dưới chân núi, cho biết hiện tượng nứt núi Rú Dầu và sạt lở diễn ra từ nhiều năm nay, cứ sau mỗi mùa mưa lũ thì tình trạng này tiếp tục lan rộng, kéo dài hàng trăm mét. Đặc biệt, ngoài vị trí nứt núi đã lộ rõ, còn nhiều vị trí nứt khác trên cao đang bị cây cối che khuất, khó phát hiện. Người dân sinh sống phía dưới khu vực nứt núi rất lo lắng, bất an.
Ông Phạm Văn Tập, Trưởng thôn Thượng Tiến lo lắng những đường nứt ngày càng lan rộng trên núi Rú Dầu
“Trước mùa mưa lũ, chúng tôi được xã và lực lượng chức năng đến tuyên truyền, vận động di dời đến nơi khác tránh trú để đảm bảo an toàn, khi hết mưa lũ mới quay trở về nhà. Về lâu dài, việc di dời nhà cửa đến khu tái định cư thì ngoài khả năng của người dân, vì ở đây ai cũng hoàn cảnh khó khăn, không có kinh phí, đất đai để xây dựng lại nhà cửa mới”, ông Phan Văn Lương chia sẻ.
Nhiều mảng đất trên núi Rú Dầu đang có hiện tượng sụt dần
Ông Phạm Văn Tập, Trưởng thôn Thượng Tiến cho biết, hiện nay có khoảng 16 hộ dân đang sinh sống ven chân núi Rú Dầu. Trong đó, có khoảng 8 hộ dân với hàng chục nhân khẩu sống gần vị trí nứt núi và sạt lở, có hộ chỉ cách khoảng 50-100m, nguy cơ mất an toàn cao. Gần đây, các đường nứt trên núi diễn biến phức tạp, khó lường, lan rộng ở độ sâu 4-5m, kéo dài khoảng 200m, thậm chí có nhiều đường nứt chạy hướng lên đỉnh núi.
Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, thôn cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tuyên truyền, hỗ trợ di dời các hộ dân và tài sản ra khỏi khu vực tiềm ẩn nguy hiểm. Do phần lớn người dân trong thôn là làm ruộng, không có kinh phí, nếu di dời tái định cư thì rất mong cấp trên xem xét, hỗ trợ đất, kinh phí để người dân có điều kiện xây dựng lại nhà ở mới.
Một trong nhiều vị trí sạt lở trên núi Rú Dầu
Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc Trần Văn Điền cho biết, trước mắt, chính quyền địa phương đã xây dựng các phương án chủ động ứng phó nguy cơ nứt và sạt lở núi Rú Dầu, đồng thời ký cam kết với các hộ dân về việc chủ động di dời để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Địa phương cũng đã đề xuất lên huyện, tỉnh và cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ di dời tái định cư cho các hộ dân sống gần vị trị nứt núi nhưng đang gặp khó khăn, vì vấn đề này liên quan đất đai, kinh phí.
Những đường nứt ngày càng lớn và lan rộng trên núi Rú Dầu
Tại xã Hương Liên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cũng xuất hiện một số điểm nứt núi, có nguy cơ gây mất an toàn cho các hộ dân sống gần khu vực.
Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch HĐND xã Hương Liên thông tin, hiện các đường nứt trên núi Cây Cơi ở thôn 1 đã kéo dài hơn 20m, rộng khoảng 20cm, nằm ở độ cao khoảng 20m. Chung quanh vị trí nứt núi đã có hiện tượng đất bị sụt lún khoảng 30cm, dưới chân núi có dấu hiệu đất bị sạt lở; ước tính đất ở khu vực nứt núi khoảng 5.000m³.
Cách núi Cây Cơi khoảng 2km, trên núi Khe Cổ ở độ cao khoảng 50m đã xuất hiện các đường rạn nứt kéo dài.
Ông Phạm Văn Tập chỉ tay vào đường nứt chạy ngược lên núi Rú Dầu, xã Hòa Lạc
Theo ông Nguyễn Văn Hương, chính quyền địa phương đã đề xuất cấp trên và cơ quan chức năng có giải pháp xử lý, khắc phục những điểm nứt núi này nhưng vẫn chưa có kết quả. Do quỹ đất ở dự phòng và nguồn kinh phí rất khó khăn nên việc tổ chức di dời các hộ dân đến khu tái định cư là không thực hiện được.
Trong khi đó, người dân cũng không muốn di dời khỏi nơi mà họ đã sinh sống hàng chục năm nay. Trước mắt, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, địa phương tuyên truyền, hỗ trợ sơ tán người dân và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Một góc chân núi Lê Lê ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Mến, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), thông tin, tại địa phương hiện có khoảng 27 hộ dân ở các thôn Bắc Tiến, Tân Tiến, Phúc Thành 2 sống dưới chân núi Lê Lê và Động Dọc, có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở núi. Trong đó, hộ dân ở gần vị trí sạt lở núi khoảng 100-150m, hộ ở xa khoảng 200-300m.
Để xây dựng khu tái định cư, bố trí các hộ dân này chuyển đến sinh sống ổn định lâu dài thì cần phải có kinh phí hàng chục tỷ đồng nhưng ngân sách của địa phương rất khó khăn, không thể đáp ứng được.
Trước mắt, trong mùa mưa lũ, địa phương tuyên truyền, vận động người dân đi sơ tán đến các nơi khác đảm bảo an toàn. Còn về lâu dài, đề xuất huyện, tỉnh và cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ kinh phí, đầu tư xây dựng khu tái định cư, nhà cửa giúp dân.