HAG chiếm ưu thế lĩnh vực đường

Nhắc đến CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) giới đầu tư thường nghĩ ngay đến bất động sản, nhưng lĩnh vực đang góp phần mang lại “vị ngọt” cho tập đoàn này chính là đường. Một điều tưởng chừng như nghịch lý bởi các doanh nghiệp sản xuất đường lại đang nếm “vị đắng”.

Nhắc đến CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) giới đầu tư thường nghĩ ngay đến bất động sản, nhưng lĩnh vực đang góp phần mang lại “vị ngọt” cho tập đoàn này chính là đường. Một điều tưởng chừng như nghịch lý bởi các doanh nghiệp sản xuất đường lại đang nếm “vị đắng”.

Cạnh tranh kém

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, niên vụ 2013-2014, ngành mía đường dự kiến sản xuất 1,6 triệu tấn đường (tăng 5%), tồn kho đầu vụ 167.000 tấn, nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 77.200 tấn. Như vậy, tổng nguồn cung đường trong năm khoảng 1,84 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 1,4 triệu tấn, xuất khẩu khoảng hơn 200.000 tấn.

Sau khi cân đối cung cầu sẽ còn thừa 260.000 tấn. Tuy nhiên, khả năng lượng đường dư thừa vào cuối vụ  2013-2014 sẽ cao hơn 500.000 tấn, do có thêm khoảng 300.000 tấn đường nhập lậu từ Thái Lan.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguyên nhân của việc dư thừa là do sự thiếu hụt nguồn cung đường đã dẫn đến việc quy hoạch hàng loạt nhà máy đường dưới sự hỗ  trợ của chính sách.

Ngành mía đường được thúc đẩy phát triển không chỉ để giải quyết nhu cầu đường nội địa mà còn phục vụ cho mục đích xã hội, tạo công ăn việc làm và xóa nghèo. Đến nay, cung nội địa đã vượt cầu, nhưng cách sản xuất nông nghiệp lạc hậu đã làm ngành mía đường trở nên rất thiếu tính cạnh tranh so với khu vực và thế giới.

Nhu cầu đường ở Việt Nam trong các năm gần đây sụt giảm so với giai đoạn 2005-2008 khi việc mở rộng và phát triển ngành công nghiệp sản xuất bánh kẹo đang chững lại, nhưng đường sản xuất nội địa gần như không thể xuất ra thế giới trừ thị trường Trung Quốc. Thêm vào đó, đường nhập khẩu, kể cả chính ngạch hay nhập lậu đều có sức cạnh tranh hơn hẳn sẽ càng bóp nghẹt ngành sản xuất đường trong nước.

Trên thực tế, khó khăn không chỉ đến từ cung vượt cầu mà còn đến từ sức cạnh tranh kém của các doanh nghiệp. Theo thống kê, chi phí mía nguyên liệu hiện chiếm đến 80-90% chi phí sản xuất đường, giá thành sản xuất đường bình quân tại Việt Nam cũng dao động ở mức rất cao, ước tính từ 11-13 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá cao hơn nhiều so với giá tham chiếu hiện tại trên thị trường toàn cầu của đường thô theo hợp đồng số 11 (tương đương 7,8 triệu đồng/tấn) và đường trắng theo hợp đồng số 5 (tương đương 10 triệu đồng/tấn).

Chẳng hạn, tại Brazil, giá thành sản xuất đường thô chỉ đạt tương ứng từ 7,9-10,3 triệu đồng/tấn (theo  Bloomberg), đặc biệt giá thành sản xuất của Raizen, công ty sản xuất đường lớn nhất tại quốc gia này, chỉ khoảng 6,5 triệu đồng/tấn.

Ưu thế tuyệt đối

Những yếu tố khách quan và yếu kém nội tại đang và sẽ tác động lên ngành đường trong nước. Theo phân tích của CTCK FPT, giá đường và mức biên lợi nhuận của các doanh nghiệp mía đường sẽ khó có thể cải thiện trong ngắn hạn. Về dài hạn, sẽ có nhiều doanh nghiệp không trụ nổi trước làn sóng đào thải do không thể cạnh tranh nổi về giá thành sản xuất và đầu ra sản phẩm.

Khi nguồn cung nội địa giảm xuống sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp còn lại cải thiện hiệu quả hoạt động. Trên thị trường hiện có tổng cộng 8 doanh nghiệp niêm yết có mảng hoạt động sản xuất và kinh doanh mía đường gồm: CTCP Mía đường Thành Thành Công (SBT), CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS), CTCP Đường Biên Hòa (BHS), CTCP Đường Ninh Hòa (NHS), CTCP Mía đường Sơn La (SLS), CTCP Đường Kon Tum (KTS), CTCP Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai (SEC) và doanh nghiệp niêm yết thứ 8 vừa chính thức tham gia vào lĩnh vực đường là CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG).

Trong 8 doanh nghiệp này, SBT và BHS là 2 doanh nghiệp sản xuất đường lớn nhất khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; LSS có công suất nhà máy lớn nhất cả nước và vùng trồng rộng lớn; những doanh nghiệp còn lại như NHS, SEC, KTS và SLS có quy mô trung bình và nhỏ. Tuy nhiên, đối thủ đáng gờm nhất của các doanh nghiệp này lại chính là “tân binh” HAG.

Dù vùng trồng mía và nhà máy đường đặt tại Attapeu (Lào), nhưng khả năng cạnh tranh của HAG gần như tuyệt đối nhờ quy hoạch được vùng trồng nguyên liệu bền vững với cánh đồng lớn và áp dụng cơ giới hóa triệt để, hệ thống tưới tiêu hiện đại dựa trên công nghệ của Israel nên năng suất mía vượt trội hơn hẳn so với những doanh nghiệp khác (con số năng suất tập đoàn này công bố là 120 tấn/ha).

Hiện giá bán đường RS bình quân ước tính trong năm 2013 khoảng 13 triệu đồng/tấn trong khi giá thành sản xuất của HAG chỉ vào khoảng 4,5-5 triệu đồng/tấn (thấp hơn từ 1,5-2 triệu triệu đồng so với Raizen).

Năm 2013 tiếp tục là năm khó khăn đối với đa phần các doanh nghiệp mía đường nội địa đang niêm yết với doanh thu tăng trưởng âm hoặc rất chậm, trong khi lợi nhuận ròng lại sụt giảm khá mạnh. Trong năm 2013, duy nhất chỉ có NHS có doanh thu và lợi nhuận ròng đồng thời tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, đối với “tân binh” HAG vụ trồng mía và sản xuất đường đầu tiên lại hết sức thành công khi đem về 838 tỷ đồng doanh thu (vượt 31% so với kế hoạch, tương đương 638 tỷ đồng doanh thu từ mía đường đã đặt ra từ trước) và trở thành hoạt động kinh doanh mang lại doanh thu lớn nhất cho doanh nghiệp trong năm (chiếm 30,2% tổng doanh thu).

Quý IV-2013 cũng là thời điểm HAG bước vào niên vụ sản xuất đường thứ 2 của mình với diện tích vùng mía đạt 9.322ha (tăng hơn 80% so với vụ trước). Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận gộp từ lĩnh vực đường của HAG lên đến 64%, có ưu thế tuyệt đối so với các công ty mía đường đang niêm yết. Chẳng hạn, tỷ suất lợi nhuận của SBT chỉ có 13%, BHS 8%, NHS 15%.

Các tin khác