Quá khứ huy hoàng
HAG chính thức niêm yết CP trên HOSE trong phiên giao dịch ngày 22-12-2008, với giá tham chiếu 40.000 đồng/CP. Dù TTCK đang trong giai đoạn suy giảm mạnh, HAG vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư, khi tăng hết biên độ trong phiên chào sàn lên 48.000 đồng. Sức hút từ mã CP bất động sản hàng đầu thời điểm đó đã giúp HAG nhanh chóng vượt mốc 60.000 đồng/CP, chỉ sau 5 phiên giao dịch kế tiếp (tương đương mức tăng 50%).
Với sự xuất hiện của HAG, ngôi vị người giàu nhất TTCK năm 2008 đã nhanh chóng thuộc về ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT, với tổng giá trị CP nắm giữ đạt 6.160 tỷ đồng. Đặc biệt, tính theo giá đóng cửa ngày 31-12-2008, giá trị vốn hóa của HAG lên đến 11.328 tỷ đồng, tương đương 2,5% quy mô toàn TTCK. Đến phiên giao dịch ngày 22-9-2009, HAG xác lập mức giá đỉnh 132.000 đồng/CP.
Sau đó HAG điều chỉnh giảm xuống dưới mốc 100.000 đồng/CP, nhưng bầu Đức vẫn tiếp tục giữ vị trí người giàu nhất TTCK năm 2009 với giá trị đạt 11.500 tỷ đồng. Năm 2010, với sự vươn lên mạnh mẽ của CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC), bầu Đức (11.900 tỷ đồng) rơi xuống vị trí thứ 2 sau ông Phạm Nhật Vượng (15.800 tỷ đồng).
Sau thời gian ngự trị trên đỉnh, đến năm 2011 HAG bắt đầu gặp khó trong lĩnh vực bất động sản, giá CP cũng lao dốc với mức giảm lên đến 70% so với thời điểm cuối năm 2010. Tài sản của bầu Đức cũng “bốc hơi” mạnh, giảm xuống còn 4.348 tỷ đồng. Đến năm 2016, với giá trị CP chỉ 1.860 tỷ đồng, bầu Đức đã không còn nằm trong top 10 người giàu nhất trên TTCK.
Cũng trong năm 2016, báo cáo tài chính (BCTC) của HAG lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận âm hơn 1.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, tình hình tài chính của HAG cực kỳ nguy hiểm với 36.100 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó 27.400 tỷ đồng là vay nợ ngân hàng/trái phiếu (tăng 300 tỷ đồng so với cuối năm 2015). Thời điểm này, các ngân hàng chủ nợ đã phải tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp giải cứu HAG.
Vận rủi đeo đuổi
Vận rủi đeo đuổi
Nợ vay của HAG bắt đầu gia tăng mạnh thời điểm năm 2007-2008, khi bầu Đức quyết định bỏ bất động sản chuyển hướng sang trồng cây cao su. Thời điểm đó, giá cao su trên thị trường thế giới đạt đỉnh 5.000USD/tấn.
Nhưng sau khi HAG chuyển hướng sang nông nghiệp bằng việc thành lập công ty con CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), giá cao su bất ngờ lao dốc, khiến doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Tình trạng càng bi đát hơn khi những mảng đầu tư mới của HAG như mía đường hay chăn nuôi bò cũng liên tục gặp thất bại.
Quyết định chuyển hướng qua lĩnh vực chăn nuôi được bầu Đức kỳ vọng giúp HAG xoay chuyển tình thế. Đầu tiên là kế hoạch hợp tác sản xuất sữa tươi với CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) vào năm 2014.
Theo đó, HAG sẽ nhập khoảng 100.000 con bò từ Australia (50% là bò sữa), tổ chức chăn nuôi ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Giai đoạn 1 của dự án, HAG sẽ nhập khẩu 40.000 con bò (20.000 bò sữa), Nutifood bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa từ trang trại của HAG. Dự kiến 20.000 con bò sữa cho sản lượng 1,2 triệu lít sữa/ngày. Nutifood sẽ đầu tư nhà máy chế biến sữa tại Gia Lai với kinh phí khoảng 800 tỷ đồng, dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Đức và Thụy Điển. Tháng 9-2015, HAG và Nutifood cho ra mắt dòng sữa đầu tiên của dự án.
Nằm trong kế hoạch nhập 100.000 con bò, HAG chủ động bắt tay với CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) để giải quyết đầu ra. Theo kế hoạch, Vissan xây dựng dự án cụm công nghiệp thực phẩm chế biến tại Long An công suất 100.000 tấn/năm, đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ lượng thịt bò do HAG cung cấp.
Tuy nhiên, cũng như “cú bắt tay” với Nutifood, thương vụ hợp tác với Vissan nhanh chóng đổ vỡ sau mùa Tết Nguyên đán 2015. Theo lý giải của Vissan, thịt bò của HAG chưa đủ khối lượng để mang lại hiệu quả kinh tế.
Tương lai bất định
Dù nhận được dòng tiền giải cứu từ Thaco, nhưng giới đầu tư vẫn không đặt nhiều niềm tin vào sự hồi phục của HAG. Đây là nguyên nhân khiến cho HAG vẫn đang giao dịch ở mức giá thấp nhất trong lịch sử hơn 4.000 đồng/CP. |
Năm 2018, khi HAG đang trong tình cảnh bi đát nhất, bầu Đức bất ngờ nhận được sự trợ giúp từ CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco). Theo thỏa thuận được ký kết ngày 8-8, Thaco sẽ chi 7.800 tỷ đồng để sở hữu lần lượt 35% và 51% vốn tại 2 công ty con của HAG là HNG và HAGL Myanmar.
Tuy nhiên, đây chỉ là số vốn ban đầu bỏ ra để sở hữu cổ phần, theo lộ trình Thaco cam kết giúp HAG tái cơ cấu khoản nợ lên đến 14.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền Thaco đầu tư vào HAG vượt mức 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).
Quyết định rót vốn đầu tư của Thaco vào HNG khiến giới đầu tư bất ngờ, bởi nông nghiệp không phải là thế mạnh của tập đoàn chuyên về sản xuất ô tô này. Thực tế, ngay cả lãnh đạo HAG cũng không ngại ngần chia sẻ về quyết định đầu tư mạo hiểm này.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAG, cho rằng Thaco đã rất dũng cảm khi cam kết đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi của HNG, với mức giá chuyển đổi 10.000 đồng/CP. Đây là thời điểm HAG và HNG đang rất khó khăn về thanh khoản, không đủ tiền trả nợ gốc và lãi vay, giá CP trên thị trường lúc đó chỉ 6.520 đồng/CP.
Đến nay, sau 1 năm hợp tác, dù tình hình tài chính của HAG đã dần đi vào ổn định, nhưng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khá ì ạch. Ngày 30-8, HOSE công bố quyết định duy trì diện cảnh báo đối với HAG do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ngày 30-6 là số âm. Công ty kiểm toán cũng đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc CP bị đưa vào diện cảnh báo.
Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2019 (đã kiểm toán), lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 516,52 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30-6 là âm 728,17 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty kiểm toán tiếp tục đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn (tồn tại từ BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017) và thêm ý kiến ngoại trừ liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp. BCTC còn có ý kiến kiểm toán nhấn mạnh liên quan đến việc nhóm công ty đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.
(Còn tiếp)