Việc NĐT bán tháo HAG cho thấy con đường tìm lại ánh hào quang của doanh nghiệp này vẫn còn rất gian nan, khi chưa thể tạo dựng được niềm tin vững chắc từ các cổ đông.
Mô hình kinh doanh mới
Thời gian gần đây, HAG trở thành tâm điểm của giới đầu tư trên TTCK với thông tin tập đoàn này bước chân vào mảng chăn nuôi heo. Cùng với lĩnh vực trồng chuối, việc mở rộng thêm mảng chăn nuôi heo sẽ tạo ra mô hình “heo ăn chuối” của HAG.
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trồng 1.550ha cây ăn trái, chăn nuôi 24.000 heo giống và 560.000 con heo thịt trên diện tích 108ha trên địa bàn (dự kiến đi vào kinh doanh vào cuối năm).
Mục tiêu dự án là trồng cây ăn trái theo hướng bền vững, đạt chuẩn Global GAP, để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, hoạt động tưới tiêu phục vụ trồng trọt, xây dựng chuồng trại, chăn nuôi gia súc gia cầm. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.852 tỷ đồng, trong đó hơn 538 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có từ tỉnh Gia Lai và vốn hỗ trợ từ HAG là 1.313 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2022, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAG, cho biết mô hình kinh doanh mới với mục tiêu phát triển thêm 16 cụm chuồng trại với công suất hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm và 7.000ha chuối. Đồng thời xây dựng lộ trình phát triển 5.000 cửa hàng để phân phối thịt heo có thương hiệu. Trong một báo cáo trước đó, HAG khẳng định đã hoàn thiện 9 cụm chuồng trại vào cuối tháng 5.
Các cụm này có thể duy trì nuôi hơn 27.000 con heo nái sinh sản và 600.000 con heo thịt xuất chuồng mỗi năm. Như vậy, nếu phát triển 560.000 con heo thịt trên diện tích 108ha tại dự án ở Gia Lai thì HAG sẽ hoàn tất kế hoạch ở mảng chăn nuôi đề ra với cổ đông.
Hiệu quả bước đầu
Như mọi khi, ông Đức tỏ ra rất tự tin về mô hình kinh doanh mới này. Cụ thể, chia sẻ với cổ đông tại ĐHCĐ thường niên 2022, ông Đức tuyên bố: “Tôi sẽ không để HAG ngã thêm lần nữa”. Theo ông Đức, những lần thất bại trước đó của HAG đến từ các yếu tố khách quan. Đơn cử như lĩnh vực chăn nuôi bò và trồng cao su.
“Thời điểm đó, HAG bị nợ, cứ bán bò là ngân hàng siết. Vòng lẩn quẩn không thoát được. Với cây cao su, giá giảm mạnh như vậy thì xin lỗi không ai chịu nổi. Trên thương trường khó nói lắm, không ai lên mãi cũng không ai xuống mãi. HAG xuống sâu lắm rồi nên không thể xuống nữa”- ông Đức phân trần.
Với mô hình kinh doanh mới này, ông Đức cho biết heo ăn chuối không mới, nhưng điểm khác biệt là HAG đã tìm ra công thức chế biến thức ăn cho heo từ chuối. Heo được nuôi bằng chuối thịt sẽ thơm và ngon hơn bình thường. Cũng theo ông Đức, không chỉ tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn để cho ra giá thành con heo cạnh tranh (giá vốn vào mức 35.000 đồng/kg), mảng chuối còn ước tính lãi thêm 150 triệu đồng/ha trên số thải ra, so với mức lợi nhuận quân bình trước đây là 400 triệu đồng/ha.
Ông Đức cũng kỳ vọng giá bán chuối sẽ đi vào chu kỳ cao nhất vào nửa cuối năm, và giá heo thịt tiếp tục giữ ở mức cao với sản lượng bán gấp đôi nửa đầu năm. HAG có thể sớm đạt được kế hoạch đề ra cho cả năm và thậm chí vượt kế hoạch 20-30%.
Theo báo cáo tài chính bán niên được công bố cách đây không lâu, doanh thu nửa đầu năm 2022 của HAG đạt tổng cộng 1.867 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu chủ lực vẫn đến từ ngành cây ăn trái khi mang về 1.094 tỷ đồng, chăn nuôi thu về 439 tỷ đồng và ngành phụ trợ đạt 334 tỷ đồng. Đáng chú ý là HAG bất ngờ báo lãi 531 tỷ đồng sau thuế sau 6 tháng. So với kế hoạch kinh doanh cả năm là 4.800 tỷ đồng doanh thu và 1.120 tỷ đồng lợi nhuận, thì HAG đã hoàn thành lần lượt 39% chỉ tiêu doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận.
Chút niềm tin còn sót lại
Chút niềm tin còn sót lại
Cho dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cực kỳ ấn tượng, nhưng có lẽ nhiều cổ đông vẫn chưa thật sự vững tin vào kết quả này. Trên các diễn đàn CK, nhiều NĐT “xới” lại những tuyên bố “hùng hồn” của ông Đức trong quá khứ mỗi khi “đặt chân” vào mảng kinh doanh mới, nhưng kết quả vẫn thất bại. Việc thiếu niềm tin vào doanh nghiệp cũng là yếu tố khiến cho NĐT hoảng loạn bán tháo HAG, dù không có bất kỳ thông tin tiêu cực nào được công bố trong phiên giao dịch ngày 20-7 vừa qua.
Đáng chú ý không chỉ NĐT nhỏ lẻ thiếu niềm tin, nhiều cổ đông chiến lược có kinh nghiệm cũng không đủ tự tin đồng hành cùng HAG. Dẫn chứng là việc hàng loạt NĐT “rút chân” khỏi HAG dù bản thân họ có đầy đủ thông tin về hướng đi sắp tới của doanh nghiệp. Cụ thể, sau ĐHCĐ thường niên 2022, HAG công bố danh sách 9 NĐT chuyên nghiệp, trong đó 7 NĐT cá nhân đồng ý mua vào 162 triệu CP HAG.
Với giá bán là 10.500 đồng/CP, dự kiến HAG sẽ thu về số tiền 1.700 đồng. Thế nhưng, mới đây HAG công bố danh sách cổ đông mua vào số lượng CP phát hành mới này chỉ còn 3 NĐT gồm: Công ty TNHH Glory Land, CTCP Quản lý Việt Cát và ông Nguyễn Đức Quân Tùng. Như vậy, 6 NĐT cá nhân theo như danh sách công bố trong tháng 4 đã “lật kèo”?
Không khó hiểu với quyết định không tham gia vào đợt phát hành CP của HAG, bởi đợt suy giảm trong tháng 5 và 6 vừa qua đã kéo giá CP của doanh nghiệp này có thời điểm giảm xuống chỉ còn hơn 7.000 đồng/CP. Do vậy, thay vì mua vào với mức giá 10.500 đồng/CP, lại bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm, những NĐT này có thể mua ngay trên sàn với giá “chiết khấu” lên đến 30%.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực thì việc 3 NĐT trên quyết tâm rót vốn vào HAG phần nào cho thấy doanh nghiệp này vẫn chưa mất hết niềm tin từ giới đầu tư. Một lý do để cổ đông này có thêm niềm tin vào HAG, là việc con gái ông Đức là bà Đoàn Hoàng Anh liên tục đăng ký mua vào mỗi khi giá CP giảm về dưới mệnh giá.
Bà Anh hiện đang nắm giữ 9 triệu CP HAG. Trước đó, một tập đoàn lớn đã làm việc với HAG để bàn kế hoạch rót vốn vào mảng chăn nuôi heo. Dù thương vụ này bất thành, nhưng ý định đầu tư vào HAG của tập đoàn này phần nào cho thấy mô hình kinh doanh mới của HAG được nhiều người quan tâm.