HAH làm giá?

CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) niêm yết sàn HOSE với giá tham chiếu 40.000 đồng/CP. Thế nhưng sau phiên tăng trần ngày chào sàn, mã HAH liên tục rớt giá trong sự ngỡ ngàng của NĐT.

CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) niêm yết sàn HOSE với giá tham chiếu 40.000 đồng/CP. Thế nhưng sau phiên tăng trần ngày chào sàn, mã HAH liên tục rớt giá trong sự ngỡ ngàng của NĐT.

HAH có thật sự hấp dẫn?

Ngày 11-3, toàn bộ 23,2 triệu CP HAH đã chính thức góp mặt trên sàn HOSE với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên 40.000 đồng/CP. Trước khi HAH niêm yết đã có nhiều phân tích của các CTCK cho rằng đây là mức giá hấp dẫn, bởi HAH là doanh nghiệp có chỉ số cơ bản tốt cũng như triển vọng kinh doanh ổn định. Cụ thể, mức tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2011-2014 của HAH là 50%/năm.

Trong năm 2014, doanh thu thuần của HAH đạt 431 tỷ đồng (tăng 93%) và lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng (tăng 61%). Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gia tăng trong các năm tới khi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được ký kết trong năm 2015. Sau khi đàm phán kết thúc thành công, TPP sẽ mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu trong nước, từ đó tăng cường các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa và cũng đem lại cơ hội cho các  doanh nghiệp khai thác cảng biển, trong đó có cảng Hải An.

Không ngừng lại ở đó, trước ngày niêm yết chính thức, HAH quyết định thay đổi giá tham chiếu từ 37.000 đồng/CP lên 40.000 đồng/CP với lý do: Phản ánh chính xác hơn về tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp trong năm 2014 và triển vọng phát triển trong tương lai.

Chính từ những số liệu phân tích “có cánh” này, HAH nhận được sự quan tâm của nhiều NĐT và có phiên chào sàn hết sức thành công khi tăng hết biên độ 20% lên 48.000 đồng/CP. Thế nhưng, sau phiên này, HAH rơi vào tình trạng lao dốc khi giảm liền 4 phiên sàn sau đó xuống chỉ còn 35.800 đồng/CP. Thanh khoản của HAH cũng sụt giảm đáng kể so với phiên chào sàn.

Như vậy, những NĐT lỡ mua HAH trong ngày giao dịch đầu tiên sẽ lỗ khoảng 25%. Nếu nhìn vào diễn biến của phiên chào sàn và những phiên giao dịch sau đó, NĐT tinh ý sẽ nhận ra sự bất thường của bên mua. Cụ thể, lệnh mua được đẩy vào với số lượng lớn trong phiên đầu tiên nhằm tạo nên mặt bằng giá mới, sau đó bất ngờ sụt giảm mạnh trong những phiên kế tiếp.

Một yếu tố nữa để NĐT nghi ngờ về sự bất thường của HAH chính là số lượng CP tự do chuyển nhượng (free float) của HAH trong vòng 6 tháng kể từ ngày niêm yết chỉ ở mức 23,29%. Với số lượng này việc làm giá HAH không quá khó.

Khả năng cạnh tranh không cao

Dù được đánh giá là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng ổn định, nhưng trên thực tế HAH vẫn bị đánh giá khá thấp về khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trên cùng địa bàn. Đầu tiên là vị trí cảng của HAH không thuận lợi do nằm ở  giữa tuyến hàng hải từ điểm hoa tiêu đến cảng cuối cùng trên sông Cấm trong khu  vực Hải Phòng.

Do chỉ có 1 cầu tàu dài 150m nên sản lượng của cảng bị hạn chế. Trong khi đó, kế hoạch mở rộng cầu cảng lại vướng quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định1448/QĐ-TTg ngày 16-9-2009. Chính vì lý do này mà đến thời điểm hiện tại, HAH vẫn chưa có cổ đông ngoại trong khi nhiều cảng nằm trong khu vực nhận được sự quan tâm rất nhiều từ các NĐTNN.

Nhiều NĐT bắt đầu lo lắng sau phiên chào sàn của HAH. Ảnh: LONG THANH

Nhiều NĐT bắt đầu lo lắng sau phiên chào sàn của HAH. Ảnh: LONG THANH

Thêm vào đó, HAH gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các dự án mới như Cảng quốc tế Lạch Huyện. Đây là dự án nằm trong danh mục các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 412/QĐ-TTg ngày 11-4-2007.

Với mục tiêu phát triển cảng Hải Phòng tại khu bến Lạch Huyện để có thể tiếp nhận cỡ tàu tới 100.000DWT (tàu container 8.000TEU), dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2016. Sau khi cảng Lạch Huyện được đưa vào khai thác sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hệ thống các cảng khu vực Đình Vũ, Bạch Đằng, Sông Cấm, Sông Tranh nói chung và cảng Hải An nói riêng. Ngoài ra, HAH đang phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh về giá giữa các cảng trong khu vực Hải Phòng.

Theo HAH, các doanh nghiệp cùng ngành sẵn sàng giảm 20% giá hoặc chấp nhận lỗ để thu hút khách hàng. Đây là lý do khiến HAH thận trọng hơn trong việc đặt ra chỉ tiêu kinh doanh năm 2015.

Cụ thể, doanh thu dự kiến đạt 685 tỷ đồng (tăng 59%), chủ yếu đến từ mảng dịch vụ vận tải đường biển khi 2 tàu container HaiAn Park và HaiAn Song đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lớn nên lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ giảm 15,89% so với năm  2014 (đạt 112 tỷ đồng).

Các tin khác