Không thể đến rạp, những người yêu điện ảnh đành chấp nhận một trong hai kênh giải trí: hoặc xem phim truyền hình, hoặc xem web drama (phim chiếu mạng).
Trong bối cảnh tăng cường mọi biện pháp chống bùng phát Covid-19, những bộ phim truyền hình muốn quay ngoại cảnh rất khó khăn. Nghệ sĩ không yên tâm, chính quyền nơi tác nghiệp cũng không ủng hộ. Vì vậy, thể loại phim sitcom với những tình huống hài được thực hiện gói gọn trong phim trường là ưu tiên hàng đầu. Thực tế, đã có nhiều phim sitcom ăn khách như “Tiệm bánh hoàng tử bé”, “Phóng viên vui nhộn”, “Gia đình là số 1”, “Những đứa con từ trên trời rơi xuống”, “Đi về phía cầu vồng”…
Bấm máy bộ phim sitcom “Dịch vụ anh tơ hồng” ngay giữa 2 đợt lây nhiễm Covid-19, đạo diễn Hồ Ngọc Xum, cho rằng: “Quay phim sitcom theo kiểu cũ hiện nay không ai coi nữa. Dù mỗi tập phim thời lượng ngắn nhưng cần mở rộng bối cảnh, không chỉ quay quanh quẩn trong phòng. Tính cách, tạo hình, phục trang nhân vật cần phải rõ ràng, diễn viên cần đầu tư cho vai diễn của mình hơn, không chỉ ra phim trường rồi mới đọc kịch bản”. Tuy nhiên, nhà biên kịch Hạ Thu lý giải lạc quan hơn: “Hiện nay khán giả không có nhiều thời gian theo dõi liên tục một bộ phim truyền hình. Phim sitcom hài nhẹ nhàng, không cần theo dõi liên tục, lại có thể phản ánh nhanh những đề tài nóng của xã hội, nên được chú ý”.
Trấn Thành trong “Bố già”.
Để có bộ phim sitcom thành công, giới điện ảnh đánh giá công lao của biên kịch chiếm 50%, diễn xuất của diễn viên chiếm 40% và đạo diễn chiếm 10%. Thể thể loại sitcom, tâm lý nhân vật không cần quá sâu sắc nhưng cần nhiều tình huống hài khéo léo và hấp dẫn. Đây cũng là vấn đề phải lưu tâm, bởi lẽ đội ngũ biên kịch của Việt Nam hầu như chưa được đào tạo về kỹ năng tạo ra điểm nhấn bất ngờ cho phim sitcom.
Vì chưa có nhà biên kịch chuyên nghiệp, phim sitcom ở nước ta được thực hiện đầy may rủi. Một diễn viên gạo cội chia sẻ: “Kịch bản họ đưa ra chỉ gạch đầu dòng, tỉ dụ anh A gặp anh B, xảy ra chuyện gì, rồi hết. Có một số công ty, phim dài mấy chục tập mà đưa mình có trang giấy. Vậy là ra trường quay, diễn viên kiêm luôn tác giả, đạo diễn, tự ứng biến. Vậy nên, chất lượng sitcom hài đang vẫn còn rất… hên xui”.
Thoải mái hơn phim sitcom về sự kiểm duyệt cũng như giờ giấc phát sóng, các web drama nở rộ trong thời Covid-19. Nhiều nghệ sĩ xem đây là dự án xứng đáng để đầu tư. Vài sản phẩm web drama vừa hoàn thành như “Yêu lại từ đầu” của Việt Hương, “Kẻ săn tin” của Minh Hằng, “Nhà trọ có quá trời phòng” của Nam Thư, “Xin chào papa” của Tuấn Trần… NSND Hồng Vân cũng tham gia làm web drama mang tên “Đại Kê chạy đi”, thổ lộ: “Tôi mong các diễn viên ai nấy đều có sản phẩm riêng. Bây giờ web drama ồ ạt như vậy, tôi cũng cố gắng làm để thỏa mãn đam mê. Tôi mong khán giả đón nhận vì chỉ có vậy, chúng tôi mới có động lực để tiếp tục làm web drama. Không lời lãi, lỗ dữ lắm. Nếu không có nhà tài trợ đồng hành chúng tôi kiệt sức”.
Thế nhưng, sau ca sĩ Lâm Chí Khang tuyên bố bội thu với phim chiếu mạng “Người trong giang hồ”, hotgirl Chi Pu cũng khẳng định thắng lớn với phim chiếu mạng “Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai”. Một web drama 2 nguồn thu tài chính quan trọng, là người thực hiện khôn ngoan tìm kiếm được khách hàng, lồng ghép sản phẩm vào nội dung và sự chi trả từ YouTube. Khoản thu thứ nhất khá bí mật vì phải đánh đố với cơ quan thuế. Còn khoản thu thứ hai YouTube dựa trên 3 tiêu chí bao nhiêu người xem, bao nhiêu lượt tương tác vào quảng cáo và IP của mỗi lượt xem đến từ đâu. Nếu IP ở Mỹ hay châu Âu, số tiền nhiều gấp 3, gấp 5 IP ở Việt Nam.
NSND Hồng Vân trong “Đại Kê chạy đi”.
Một trong những sản phẩm web drama hốt bạc là “Ai chết giơ tay” của diễn viên Huỳnh Lập. Khai thác về đề tài tâm linh, phim chiếu mạng này không chỉ đưa đến cho khán giả những góc nhìn rõ hơn về các hiện tượng phi khoa học, khía cạnh về cõi âm, bộ phim còn được lồng ghép những câu chuyện tâm lý, cảm động, thể hiện rõ các vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay. Theo diễn viên Huỳnh Lập, những nhãn hàng muốn tiếp cận với đối tượng người tiêu dùng trẻ phải mặn mà với loại hình web drama. Làm phim chiếu mạng có lợi nhuận rõ ràng dù chưa cao. Chỉ sản phẩm đầu tư ít, lượt người xem lớn mới có lợi nhuận bất ngờ.
Điểm đặc biệt của web drama là chia đều cơ hội cho những người đam mê làm phim chiếu theo sở thích riêng. 2 web drama nổi đình nổi đám trên mạng “Bố già” và “Ghe bẹo ghẹo ai”, lại thuộc về 2 nhân vật có mức độ tên tuổi khác nhau là Trấn Thành và Võ Đăng Khoa. Danh hài Trấn Thành đầu tư 4 tỷ đồng để làm 5 tập web drama “Bố già”. Nghe giống tên siêu phẩm mafia của Italia, nhưng “Bố già” của Trấn Thành là câu chuyện hài tâm lý xã hội, xoay quanh một gia đình nhỏ với người cha làm nghề chạy xe ôm bảo thủ nhưng tình cảm, chu toàn trách nhiệm với gia đình, gồm người vợ luôn gây ra những rắc rối “trời ơi đất hỡi" và 2 đứa con đang độ tuổi “nổi loạn". Tuy tốt bụng, thương vợ thương con, nhưng tính cách "khó gần" của "bố già" khiến mâu thuẫn gia đình ngày một gay gắt. Các con khó giao tiếp với cha vì khoảng cách giữa 2 thế hệ và giữa 2 luồng tư duy.
So với danh hài Trấn Thành lừng lẫy khắp nơi, Võ Đăng Khoa chỉ là chàng trai miệt vườn. Anh đầu tư số tiền ít ỏi hơn Trấn Thành, nhưng web drama “Ghe bẹo ghẹo ai” vẫn cực kỳ ăn khách. “Ghe bẹo ghẹo ai” miêu tả mảnh đời đầy trái ngang của những thành viên trong giới đồng tính luyến ái sinh sống tại miền Tây sông nước. Trong phim, NSND Kim Xuân vào vai người mẹ suy nghĩ cổ hủ, nhưng lòng thương con vô hạn. Còn Võ Đăng Khoa vào vai cô Mến Ghe Bẹo có vẻ ngoài hung dữ, cứng rắn nhưng bên trong lại mềm mỏng, yếu đuối với khát khao một lần được cả xã hội công nhận là phụ nữ.
Không chỉ thịnh vượng trong đại dịch toàn cầu, web drama còn có nhiều biên độ để phát triển. Bởi lẽ, hiện nay có nhiều diễn viên muốn làm phim riêng cho mình, nhưng nếu đầu tư làm phim chiếu tạp kinh phí không cho phép, còn làm phim truyền hình không có kênh phát sóng. Vì vậy, phim chiếu mạng là lựa chọn hợp lý về kinh phí và đầu ra. Một khi có cầu sẽ có cung, các đạo diễn sẽ chuyển sang làm web drama.