Trước tình hình trên, Bộ Y tế tăng cường nhiều đoàn công tác đi kiểm tra ở khu vực biên giới, tăng năng lực các bệnh viện dã chiến; các địa phương cũng sẵn sàng kịch bản ứng phó với mọi tình huống…
Xây dựng bệnh viện dã chiến
Ngày 27-4, tại khu cách ly của Trung tâm văn hóa phường Mỹ Đức (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), nhiều công nhân đang khẩn trương xây dựng các hạng mục để sẵn sàng cho việc thành lập bệnh viện dã chiến, quy mô 300 - 500 giường.
Theo ghi nhận, các khu A1, A2 và A3 đã xây dựng cơ bản hoàn thiện; khu vực tường rào được xây dựng kiên cố. Khu vực này cách Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên khoảng 2km, thuận lợi cho việc hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại vùng biên giới giáp ranh với Campuchia.
Trong khi đó, tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên, các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) có mặt nhiều ngày qua đã hỗ trợ thiết lập 11 phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, cần thở máy, lọc máu...
Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hà Tiên đã được thành lập, do một Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng ban, cùng với 2 tổ chuyên môn trực tiếp hỗ trợ TP Hà Tiên. Trong ngày 27-4, Viện Pasteur TPHCM cũng đưa nhân lực, máy móc… xuống TP Hà Tiên hỗ trợ xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, ngành y tế tỉnh cũng đã chuẩn bị các điều kiện cơ bản như nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế... phục vụ bệnh viện dã chiến. Theo kế hoạch, bệnh viện dã chiến là nơi thu dung, sàng lọc, cách ly, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình. Bệnh nhân nặng sẽ đưa về điều trị tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên.
Không để lọt người nhập cảnh trái phép
Ngày 27-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, tỉnh Long An. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định, do tình hình dịch ở Campuchia căng thẳng, trong khi đó Long An có đường biên giới rất dài giáp với Campuchia nên lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu cần phải rà soát người qua lại biên giới và siết chặt công tác phòng chống dịch hơn nữa.
Đối với người dân về Việt Nam không có giấy tờ thì tuyên truyền vận động bà con yên tâm ở lại đất bạn để sinh sống, chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch của nước bạn.
“Một trong những vấn đề quan trọng là cần làm tốt tuyên truyền giữa các địa phương giáp biên giới của Việt Nam và Campuchia để hạn chế tình trạng người dân hai bên nhập cảnh trái phép”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, tình hình dịch Covid-19 ở Campuchia chưa được kiểm soát; trong khi dự báo thời gian tới, công dân Việt Nam đang lao động, sinh sống ở các nước trong khu vực, nhất là Campuchia sẽ trở về các tỉnh ĐBSCL qua biên giới với số lượng lớn.
Để ngăn chặn các trường hợp công dân nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã yêu cầu các ngành chức năng cần kiểm soát chặt tuyến biên giới trên bộ và trên biển.
Cụ thể, tổ chức kiểm soát khu vực biên giới gồm 2 tuyến: Tuyến vành đai biên giới do Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng công an, quân sự và các lực lượng khác chốt chặn, tuần tra, kiểm soát tuyến vành đai biên giới trên bộ và trên biển; xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Tuyến sau vành đai biên giới do UBND các huyện, TP là cơ quan đầu mối, chỉ đạo lực lượng liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát.
UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện nay trên tuyến biên giới giáp với Campuchia, tỉnh đã tổ chức khoảng 200 tổ, chốt chặn, kiểm soát cố định và lưu động từ khu vực cửa khẩu, cùng các đường mòn, đường tắt, kênh rạch… nhằm tránh lọt người xuất nhập cảnh trái phép, trốn cách ly… nhất là trong dịp lễ sắp tới.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 27-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã quyết định chuyển 20.000 liều vaccine cho 9 địa phương gồm: Lào Cai 5.000 liều; 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng, mỗi tỉnh 2.000 liều; 5 tỉnh còn lại gồm: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, mỗi tỉnh nhận 1.800 liều. |