Theo báo cáo tài chính quý I hợp nhất mới công bố, cả hai ông lớn ngành bia là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN) và Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) đều ghi nhận tình trạng sụt giảm doanh thu lẫn lợi nhuận.
Đây là tín hiệu bất ngờ khi quý I hàng năm luôn là cao điểm tiêu thụ đồ uống có cồn do rơi vào giai đoạn lễ hội và Tết Nguyên đán.
Bên cạnh những vấn đề đặc thù của doanh nghiệp, kết quả kinh doanh của Habeco và Sabeco có điểm chung là cùng chịu tác động từ chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn của Nghị định 100. Ngoài ra, thói quen chi tiêu của người Việt Nam cũng có xu hướng giảm dần trước những khó khăn của nền kinh tế.
Cố gắng cắt giảm chi phí
Ông lớn ngành bia khu vực phía Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.172 tỷ đồng, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây đồng thời là mức thấp nhất kể từ quý I/2020.
Doanh thu thuần bán hàng hóa thành phẩm chiếm 98% cơ cấu tổng doanh thu của công ty, chỉ một số ít còn lại đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ. Việc chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh đẩy giá vốn hàng bán lên cao và kéo biên lợi nhuận gộp của Habeco từ 26% xuống còn 21%.
Dù cố gắng thu hẹp các loại chi phí như quản lý doanh nghiệp hay chi phí bán hàng, đặc biệt là chi cho quảng cáo, khuyến mại và hỗ trợ, Habeco vẫn lỗ sau thuế 3,7 tỷ đồng, cũng là lần đầu tiên báo lỗ kể từ quý I/2020. Cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp lãi 34,5 tỷ đồng.
Quay trở lại thời điểm đó, chủ thương hiệu Bia Hà Nội báo lỗ kỷ lục gần 100 tỷ đồng do tác động kép của Nghị định 100 lẫn sự xuất hiện của Covid-19 buộc nhiều hàng quán tạm dừng hoạt động. Doanh thu thuần của Habeco cũng chỉ đạt 770 tỷ đồng, tương đương 50% mức thực hiện của quý I/2019.
Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, việc tăng các khoản phải trả (không kể lãi vay, thuế thu nhập doanh nghiệp) tới 593 tỷ đồng lũy kế 3 tháng đầu năm khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Habeco âm 564 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ.
Tính đến cuối kỳ, doanh nghiệp nắm trong tay 670 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 30% so với đầu năm. Habeco cũng có khoản tiền gửi có kỳ hạn 3-12 tháng lên tới 2.284 tỷ đồng.
Tài sản công ty đến ngày 31/3 giảm 9% so với đầu năm xuống còn 6.581 tỷ đồng, chủ yếu do hao mòn tài sản hữu hình và việc giảm giá trị khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Nợ phải trả của Habeco thu hẹp từ 1.928 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 1.280 tỷ đồng nhờ điều chỉnh hàng loạt đầu mục, tiêu biểu nhất là các khoản phải trả người bán ngắn hạn, phải trả người lao động và phải trả Nhà nước. Công ty cũng có khoản vay ngân hàng ngắn hạn trị giá 80 tỷ đồng.
Đến hết quý I, Habeco đang có 774 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hầu hết là khoản lãi ròng lũy kế đến cuối kỳ trước.
Năm 2022, nhờ sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch, Habeco thu tổng cộng 8.398 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước đó. Doanh thu bán hàng và từ hoạt động tài chính đều tăng so với cùng kỳ.
Công ty tiếp tục duy trì các biện pháp tiết kiệm chi phí giúp giảm thiểu tác động của tình trạng gia tăng chi phí đầu vào. Biên lợi nhuận gộp từ đó cải thiện đáng kể từ 24% lên 27%. Sau thuế, Habeco lãi 502 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2021.
Tồn kho gần 2.500 tỷ đồng
Đồng cảnh ngộ, Sabeco cũng gặp phải tình trạng suy giảm kết quả kinh doanh ngay trong quý đầu năm. Cụ thể, chủ thương hiệu Bia Sài Gòn thu về 6.213 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu từ bán bia chiếm khoảng 90%, bên cạnh 8% từ bán nguyên vật liệu và chỉ số ít từ nước giải khát, rượu, cồn và doanh thu khác.
Khác với đối thủ cùng ngành, biên lợi nhuận gộp của Sabeco dao động khoảng 30%, không có nhiều sự chênh lệch. Công ty cũng tiếp tục chi mạnh cho chi phí bán hàng (đặc biệt dành 479 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi) và quản lý doanh nghiệp.
Kết thúc quý I, Sabeco lãi ròng 1.004 đồng, giảm 19%. Đây là quý suy giảm lợi nhuận thứ 3 liên tiếp sau khi lập đỉnh 1.793 tỷ đồng hồi quý II/2022.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chuyển từ 1.088 tỷ đồng hồi cùng kỳ xuống âm 881 tỷ đồng trong quý này do biến động các khoản phải trả và nợ phải trả khác. Dòng tiền thuần trong kỳ từ đó bị kéo xuống âm 1.074 tỷ đồng.
Sabeco nắm trong tay chưa đến 2 tỷ đồng tiền mặt nhưng các khoản tương đương tiền gồm tiền gửi ngân hàng kỳ hạn không quá 2 tháng lên đến gần 3.000 tỷ đồng. Dẫu vậy, khoản này vẫn giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Bên cạnh đó, công ty còn có khoản tiền gửi có kỳ hạn 3-12 tháng trị giá 17.367 tỷ đồng cùng nhiều khoản đầu tư vào các công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát khoảng 2.221 tỷ đồng và 434 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác.
Năm ngoái, công ty bia đầu ngành ghi nhận kết quả khá tích cực với doanh thu thuần gần 34.980 tỷ đồng, tăng 33% và lợi nhuận sau thuế gần 5.500 tỷ, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của hãng và vượt 20% kế hoạch năm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Sabeco đã thông qua mục tiêu doanh thu tăng trưởng 15% lên 40.272 tỷ đồng. Chỉ tiêu lãi sau thuế theo đó tăng 5% so với mức nền cao kỷ lục của năm ngoái, đạt 5.775 tỷ đồng. Như vậy sau quý I, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 15% chỉ tiêu doanh thu và 22% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Tính đến cuối kỳ, tổng tài sản của Sabeco đạt 31.480 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm, chủ yếu do thu nhỏ các khoản tiền và tương đương tiền cũng như đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Ngoài việc giá trị hàng tồn kho tăng mạnh lên 2.496 tỷ đồng, các đầu mục tài sản của doanh nghiệp không có nhiều biến động
Đáng chú ý, nợ phải trả cuối kỳ giảm 3.967 tỷ đồng xuống 5.907 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng kinh doanh. Phần lớn do công ty đã chi trả gần xong hơn 2.250 tỷ đồng giá trị cổ tức cho cổ đông. Các khoản phải trả cho người bán cũng được thu hẹp gần 1.000 tỷ đồng.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...