Tình trạng tắc nghẽn giao thông tại một số giao lộ trên địa bàn TPHCM đã đến mức báo động. Thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết vấn nạn này, trong đó đầu tư xây dựng nhiều cầu vượt nhẹ nhưng lại có nhiều ý kiến. ĐTTC có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, một chuyên gia đô thị học về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: -Thưa ông, tình trạng tắc nghẽn giao thông tại TPHCM đã được bàn bạc tìm giải pháp giải quyết từ nhiều năm nay, nhưng dường như vẫn chưa như kỳ vọng?
PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA: - Thiết kế đô thị ban đầu của Đại tá Coffyn người Pháp vào năm 1860 cho thành phố Sài Gòn vào khoảng 500.000 dân, đường nhỏ hẹp với chiều ngang 6-9m dành cho xe ngựa.
Chính quyền Sài Gòn lúc đó với sự trợ giúp của Hoa Kỳ đã tăng quy mô của thành phố lên đến 3 triệu dân. Bây giờ dân số TPHCM đã vọt lên tới 6, 7 triệu, nếu kể cả khách vãng lai có đến 10 triệu, trong khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật quá cũ và diện tích mặt sàn không tăng.
Tổng diện tích của TP là hơn 2.000km2, nhưng thực tế 13 quận nội thành với gần 10 triệu dân nằm trọn trong 150km2. Như thế TP đang mặc một chiếc áo quá chật, tắc nghẽn là đương nhiên.
Công bằng mà nói, trong những năm qua TP nói riêng và Trung ương nói chung đã đầu tư xây dựng rất nhiều dự án giao thông trọng điểm, như Đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu, hầm vượt sông Sài Gòn, mở rộng Xa lộ Hà Nội…
Nhưng bài toán giao thông vẫn còn thách thức rất lớn. Song cũng phải thừa nhận các nhà quy hoạch chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý đô thị, nên đã có những sai lầm. Thí dụ cho xây dựng một loạt các siêu thị ở những điểm nhạy cảm của quy hoạch ngay ngã ba chữ T, như siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh nằm ở cuối đường Bùi Thị Xuân cắt đường Cống Quỳnh, siêu thị Big C nằm ở cuối đường Nguyễn Tri Phương cắt Tô Hiến Thành, siêu thị Sài Gòn tại điểm cuối nơi giao cắt của đường Lý Thái Tổ và 3 Tháng 2.
Khi xây dựng, có thể người ta chỉ nghĩ làm sao hút được đông khách, không lường trước việc gây ra ách tắc. Ngoài ra còn cấp phép cho rất nhiều trường học ngay tại các con đường rất dễ dẫn đến tắc nghẽn giao thông như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cách Mạng Tháng 8...
![]() |
Siêu thị Coop Mart Cống Quỳnh nằm ngay giao cắt chữ T |
- Vừa qua TPHCM đã xây dựng một số cầu vượt nhẹ để giải quyết bài toán tắc nghẽn giao thông tại các “điểm nóng”. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
- Kinh nghiệm từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… cho thấy họ đã làm chuyện này gần 20 năm về trước và đã giải quyết căn bản việc tắc nghẽn giao thông. Các cây cầu vượt nhẹ tại TPHCM vừa được đưa vào sử dụng cũng đã phát huy tác dụng, các điểm nóng giao thông tại ngã tư Thủ Đức, vòng xoay Hàng Xanh không còn nặng nề như trước.
Lợi thế của các cây cầu này là công nghệ xây dựng nhanh và dường như không vướng vào công tác đền bù giải tỏa khi triển khai dự án. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta không thể xây dựng quá nhiều cầu vượt tạm trong nội ô TP và không phải “điểm tắc” nào cũng xây cầu, vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị. Khi xây dựng chúng ta phải chọn những nơi thông thoáng, có độ tĩnh không cao, ít ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. Quan sát thực tế cho thấy, cầu vượt nhẹ tại Hàng Xanh và Ngã tư Thủ Đức không ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh vì nó có độ thông thoáng, xa khu dân cư.
Trong khi đó cầu vượt nhẹ tại Lăng Cha Cả chắc chắn người dân xung quanh sẽ bị ảnh hưởng, vì cầu quá sát nhà dân. Họ không chỉ bị ảnh hưởng tiếng ồn mà công việc kinh doanh, buôn bán làm ăn cũng bị ảnh hưởng.
- Vậy theo ông, giải pháp căn cơ cho bài toán giao thông là gì?
- Những con đường thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông trong nội thành như Cách Mạng Tháng 8, Cộng Hòa có vai trò quan trọng trong điều tiết giao thông, nhưng để mở rộng những con đường này không dễ.
Với nguồn lực hiện nay của TP rất khó đủ để bồi thường mở rộng hàng loạt con đường. Theo tôi, chúng ta có thể làm đường trên cao song song với mặt đường bên dưới. Với công nghệ hiện nay, đường trên cao có thể có tuổi thọ cả trăm năm, không áp lực về việc đền bù giải tỏa, nhanh gọn… Với tầm nhìn xa hơn, bài toán giao thông không chỉ bó hẹp trong giao thông mà là quy hoạch tổng thể toàn TP.
Về nguyên tắc phát triển, khi một thành phố đã có dấu hiệu quá tải người ta giảm tải bằng cách bảo toàn thành phố cũ và phát triển một thành phố mới ở nơi khác (gọi là thành phố đối trọng, hoặc thành phố vệ tinh). Chẳng hạn ở Pháp có Paris 2, Trung Quốc có Thượng Hải mới (nay được gọi là phố Đông), hay Makati của Metro Manila (Philippines).
Nếu ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước chúng ta xây một thành phố hoàn toàn mới (có thể nằm ở Củ Chi, Nhơn Trạch), chắc chắn tình hình đã tốt hơn rất nhiều, không phải tiến hành quá nhiều các biện pháp kỹ thuật tốn kém nhưng không hiệu quả như chặt đường, mở tiểu đảo, phân luồng giao thông, làm con lươn...
Số tiền đổ vào mở đường, chống ngập lụt suốt thời gian qua có thể xây dựng một thành phố mới. Theo tôi, cần phân định rõ giải pháp dài hạn, trung hạn, ngắn hạn và các giải pháp ưu tiên cho từng giai đoạn.
Về lâu cần giãn bớt dân nội thành bằng việc phát triển thành phố vệ tinh, đưa các công sở, đơn vị có khả năng phát sinh dân số cao ra ngoài. Kiên quyết khống chế dân số 13 quận nội thành dưới 3 triệu…
- Xin cảm ơn ông.