Hạn chế nhập cư bằng hộ khẩu?

(ĐTTCO) - Đầu năm mới Mậu Tuất, nhiều đề xuất của cơ quan hữu quan TPHCM đã có những tác động nhất định đến cư dân của đô thị lớn nhất nước này. 
Hạn chế nhập cư bằng hộ khẩu?
Đó là TP đề xuất tăng phí môi trường đối với nước thải công nghiệp; tăng giá đỗ ô tô dưới lòng đường ở khu vực trung tâm; đề xuất 2.340 tỷ đồng tăng thu nhập cho công chức TP ngay trong năm 2018. Và đỉnh điểm trong những ngày qua Sở Xây dựng TPHCM đề xuất diện tích nhà bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu khi thuê, ở nhờ, mượn của người khác tại TPHCM là 20m2/người, không phân chia khu vực nội hay ngoại thành. Đề xuất này thực sự “gây choáng” cho những người đã, đang và sẽ sinh sống, làm việc, học tập tại TPHCM.
Cũng dễ hiểu vì sao Sở Xây dựng lại có đề xuất trên. Đến nay đa phần người dân cả nước xuôi về phương Nam lập nghiệp, trong đó TPHCM là chủ đạo. Số đông ấy đến TP làm công nhân, bán hàng rong, bán vé số và vô số công việc thời vụ khác.
 Với làn sóng nhập cư ngùn ngụt như vậy, đến đầu năm 2018 này TPHCM đã có gần 9 triệu dân số tĩnh và 3,5 triệu dân số động, đứng đầu về dân số trong 64 tỉnh, thành trong cả nước. 
Trở thành “quán quân” về mặt dân số, đô thị này đang đối mặt với các vấn đề trầm trọng, đó là tăng dân số cơ học quá nhanh với tốc độ tăng mỗi năm xấp xỉ một phường (trên 200.000 người). Dân số nén trong một diện tích quá hẹp, nhất là vùng lõi, dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật (kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm…) và hạ tầng xã hội, cùng với những thách thức về trường lớp cho học sinh, cơ sở điều trị cho người bệnh.
Trong khi đó đất ở, đường giao thông, nguồn nước… của TPHCM có hạn. Nếu cứ đà này tịnh tiến, đến năm 2020 TP sẽ lên tới 15 triệu dân. Đó là chưa nói đến hai kịch bản xấu, khi nước biển dâng hoặc tình trạng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp tại vùng ĐBSCL, hàng triệu người nơi đây cũng sẽ di cư đến TP để kiếm kế sinh nhai.
Trong một thống kế mới nhất từ năm 2010 đến nay, chỉ 10-12% sinh viên tốt nghiệp ở lại TPHCM, số chuyên gia có trình độ cao từ các nơi về TPHCM rất thấp. Chất lượng người dân nhập cư không cao với 30% công nhân phổ thông chưa qua đào tạo, khiến tốc độ tăng trưởng của TPHCM đang có xu hướng chậm lại. TPHCM đang tụt hậu so với các TP trong khu vực.
Năm 2016, TPHCM xếp hạng 76 trong số các TP trên thế giới và dự báo sẽ tụt xuống thứ hạng 97 trong vài năm tới… Viễn cảnh không sáng sủa này được PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị ví von: TPHCM có thể xem như “vùng đất lành chim đậu”, nhưng đậu nhiều quá cũng không tốt!
Thực ra việc Sở Xây dựng đề xuất diện tích bình quân nhà ở khi đăng ký hộ khẩu đã thể hiện chủ trương hạn chế dân nhập cư vào trung tâm TPHCM. Về hiệu quả, giải pháp này cũng có thể đạt được một phần, nhưng chủ yếu là về mặt quản lý hành chính. Còn thực tế, dù có hộ khẩu hay không nơi nào có việc làm tốt, thuận tiện cho đời sống, có thu nhập đảm bảo thì người dân các nơi vẫn đến.
Dẫu vậy, với đề xuất quy định diện tích chỗ ở để nhập hộ khẩu TPHCM của Sở Xây dựng, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, quy định này là không cần thiết, tạo gánh nặng cho xã hội, không giải quyết vấn đề một cách căn cơ. Ở các quốc gia phát triển, Nhà nước quản lý công dân bằng mã số định danh, trong khi nước ta vẫn còn sổ hộ khẩu với nhiều bất cập.
Cụ thể, khi làm thủ tục hành chính, công dân các nước chỉ cần đọc số định danh cơ quan Nhà nước có thể tra cứu được thông tin mà không cần phải kiểm tra, đối chiếu giấy tờ như ở nước ta hiện nay. Ngay cả Chính phủ đã đồng ý với phương án bãi bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu trong quản lý dân cư, thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Đây là nội dung nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, các loại giấy tờ về cấp đổi, chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú đều được bãi bỏ.
Để TPHCM luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước trong phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng với quốc tế, rõ ràng cần có sự đóng góp rất lớn từ lực lượng lao động nhập cư. Việc quy định diện tích tối thiểu sẽ phần nào gây ra sự thiệt thòi về quyền lợi cá nhân, cũng như hạn chế những vấn đề an cư.
Thay vì quy định diện tích tối thiểu, chính quyền TP nên đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng, thành lập các đô thị vệ tinh để người dân đến làm ăn, sinh sống, vui chơi trong một khu vực nhất định. Nếu áp dụng đề xuất trên của Sở Xây dựng, có chăng là làm khó hơn cho những người đang sống ở TPHCM, có nhu cầu đăng ký hộ khẩu thường trú.

Các tin khác