Hạn hán, thiếu nước sẽ kết thúc vào đầu tháng 5

(ĐTTCO)- Cục Quản lý và Xây dựng Công trình Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, khô hạn và thiếu nước đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương với mức độ quy mô nhỏ. Nắng nóng và hạn hán diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán như: Tây Bắc Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Tại xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau cứ đến mùa khô nhiều hộ dân lại bị thiếu nước sinh hoạt (Ảnh Trần Hiếu)
Tại xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau cứ đến mùa khô nhiều hộ dân lại bị thiếu nước sinh hoạt (Ảnh Trần Hiếu)

Hiện dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi tại khu vực Tây Nguyên ở mức thấp nhất, chỉ đạt 36% dung tích thiết kế. Cụ thể: Kon Tum 39% dung tích thiết kế, Gia Lai 30%, Đắk Lắk 33%, Đắk Nông 45%, Lâm Đồng 67%. Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 52 hồ cạn nước, gồm 11 hồ ở Kon Tum, 21 hồ ở Đắk Lắk và 20 hồ ở Đắk Nông...

Dự báo, khu vực Tây Nguyên có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và thiếu nước từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2024-2025, với diện tích từ 500 đến 1 nghìn ha, diện tích ảnh hưởng nhiều nhất tập trung ở tỉnh Gia Lai. Những diện tích này chủ yếu ở các khu vực ngoài hệ thống công trình thủy lợi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Quản lý và xây dựng công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tình trạng hạn hán và thiếu nước dự báo sẽ kết thúc vào đầu tháng 5. Trước dự báo về nắng nóng sắp tới yêu cầu các địa phương cần chủ động hơn trong việc quản lý nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt:

"Tiếp tục tăng cường vận hành hợp lý các công trình thủy lợi để lấy, trữ nước đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cây trồng. Đối với nước sinh hoạt phải xác định cụ thể các khu vực người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và có phương án bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân cũng như hỗ trợ người dân, tổ chức lấy nước và dụng cụ trữ nước để phục vụ sinh hoạt, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt", ông Hùng thông tin.

Các tin khác