Hàn Quốc muốn đầu tư năng lượng tái tạo

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông HONG SUN (ảnh), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), cho biết năng lượng tái tạo (NLTT) đang là lĩnh vực nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm khi tiếp cận thị trường Việt Nam, đặc biệt là các dự án sản xuất pin lưu trữ, lĩnh vực hiện nay vẫn đang bỏ ngỏ.

PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về triển vọng phát triển NLTT ở Việt Nam. Trong thời gian tới, theo ông lĩnh vực đầu tư nào ở Việt Nam đang được doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm?
Ông HONG SUN: - Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng triển vọng để phát triển NLTT trong những năm tới. Việc khai thác các nguồn NLTT có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Việt Nam có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp, có nguồn NLTT dồi dào và đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học…
Hiện các doanh nghiệp Hàn Quốc đang có dự định đầu tư vào các dự án phát triển sản xuất pin lưu trữ dành cho NLTT ở Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá rất cao triển vọng thị trường và hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện các dự án này. Việt Nam được đánh giá có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời vào loại tốt trên thế giới. Nguồn năng lượng sạch và tiềm năng lớn này có thể tham gia đóng góp vào cân bằng năng lượng quốc gia. 
Hàn Quốc muốn đầu tư năng lượng tái tạo ảnh 1
Hiện tại Tổng công ty Phát điện 3 (EVN) đang tích cực triển khai nghiên cứu phát triển các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận và trên các lòng hồ thủy điện khu vực Tây nguyên để đóng góp một phần vào nguồn năng lượng sạch, giảm thiểu tác động môi trường so với các dự án điện sử dụng nhiên liệu không tái tạo. Nhà máy sản xuất pin mặt trời đầu tiên được đầu tư ở Việt Nam xây dựng tại huyện Đức Hòa (Long An) chế tạo các tấm pin năng lượng mặt trời công suất 80-165 Wp điện với hiệu suất 16%, có thể cung cấp lượng sản phẩm 5MWp/năm. 
Ngoài ra còn có Nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời Trina Solar Việt Nam, với tổng sản lượng thiết kế đạt 1GW. Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Trina Solar (Việt Nam) Science & Technology, với tổng số vốn đầu tư 100 triệu USD, diện tích nhà xưởng 42.000m2, 14 dây chuyền hiện đại, sản xuất nhiều loại pin đơn tinh thể và đa tinh thể, xuất khẩu khắp các thị trường thế giới. Hay tỉnh Bắc Giang đang hình thành chuỗi sản xuất và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời với 8 dự án đã được cấp phép. Trong đó có dự án nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH JA Solar Việt Nam có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, quy mô nhà xưởng 88ha tại khu công nghiệp Việt Yên.
Hàn Quốc muốn đầu tư năng lượng tái tạo ảnh 2 NLTT đang là lĩnh vực nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
- So với các loại pin lưu trữ thông thường, công nghệ chế tạo pin lưu trữ của Hàn Quốc có ưu điểm gì, thưa ông?
- Công nghệ chế tạo pin lưu trữ của Hàn Quốc có nhiều điểm vượt trội. Điện năng từ loại pin nhiên liệu này được sử dụng cho hệ thống mạng lưới điện địa phương. Nhiệt lượng sinh ra từ pin nhiên liệu có thể dùng để xử lý nước thải tại các khu vực lân cận. Pin nhiên liệu kết hợp hydrogen và oxygen trong không khí để tạo ra nguồn điện và nhiệt lượng thông qua các phản ứng hóa học. Với ưu điểm hiệu suất và độ ổn định cao, độ phát xạ thấp, không gây ồn, không gây ô nhiễm môi trường, pin nhiên liệu được đánh giá là một nguồn năng lượng sạch, hiệu quả và đáng tin cậy. 
Pin nhiên liệu là một dạng nguồn điện, biến năng lượng hóa học của nhiên liệu thành điện năng. Pin nhiên liệu cũng có thể đóng vai trò như một nhà máy phát điện nóng để cung cấp điện năng cho chiếu sáng và vận hành máy móc. Nó cũng được dùng rộng rãi trên các phương tiện giao thông như ô tô, máy bay… Do vậy pin nhiên liệu chính là máy phát điện loại mới, trở thành nguồn năng lượng mới thay thế thủy điện tại khu vực châu Á trong tương lai.
- Theo ông, Việt Nam cần có những chính sách gì để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào NLTT?
 - Phát triển NLTT tại Việt Nam đã trải qua quá trình gần 3 thập niên với nhiều bước thăng trầm. Sự thay đổi này tùy thuộc vào sự quan tâm của Nhà nước, các bộ, ngành trong việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng, triển khai dự án và tài trợ tài chính cho phát triển NLTT.
Điều dễ nhận thấy chỉ khi nào có sự quan tâm, chỉ đạo của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách, chương trình thống nhất và sự tài trợ thích đáng của ngân sách, cũng như các trợ giúp quốc tế về kỹ thuật, công nghệ, tài chính, khi đó mới có thể đạt được những kết quả nhất định. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu… 
Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn NLTT trong thời gian qua vẫn tiếp tục đối mặt với một số bất cập và thách thức. Cụ thể, chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện... Do đó, cần có những giải pháp để lần lượt giải quyết các bất cập này.
- Xin cảm ơn ông.
 Hiện đã có nhiều dự án sản xuất pin năng lượng tại Việt Nam doanh nghiệp Hàn Quốc đang có dự định đầu tư. Chúng tôi đang chọn vị trí phù hợp để xây dựng nhà máy sản xuất pin lưu trữ trong thời gian tới.

Các tin khác