Quản lý thị trường kiểm tra, lập biên bản cửa hàng vi phạm tại Saigon Square, TPHCM. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Hàng hiệu giá “trăm ngàn”
Trong vai khách mua hàng, chúng tôi được chủ cửa hàng H. (chợ An Đông, quận 5, TPHCM) tiếp đón nhiệt tình. Người này liên tục giới thiệu các sản phẩm túi xách thời trang thương hiệu Gucci, Chanel, Louis Vuitton… và khoe là hàng “fake” loại 1, với giá chỉ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/món. Chủ cửa hàng còn khẳng định sẵn sàng cung ứng các sản phẩm mũ nón, quần áo, túi xách đa dạng, đủ loại xuất xứ từ Quảng Châu (Trung Quốc). Chỉ vào chiếc túi Louis Vuitton nữ màu xanh coban, có đủ tem, nhãn, chị H. báo giá 1,5 triệu đồng (trong khi giá chính hãng hơn 10.000 USD-PV). Thấy người mua lưỡng lự, muốn bỏ đi, chủ cửa hàng chốt giá bán 1,1 triệu đồng.
Xuôi về chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM), cả khu vực nhà lồng bày bán túi xách, ba lô các loại tấp nập khách ra vào. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nhái thương hiệu được bày bán công khai, với giá chỉ 200.000-300.000 đồng/món, tùy loại. Nam nhân viên của một cửa hàng thừa nhận, các sản phẩm túi xách, thắt lưng da bán trực tuyến ở TPHCM cũng như các tỉnh, thành đều lấy hàng từ đây (?). Trường hợp khách mua số lượng lớn, từ vài trăm món trở lên, sẽ được cửa hàng chiết khấu giá tốt, giảm từ 15%-20%/đơn hàng.
Nằm ở trung tâm TPHCM, tại chợ Bến Thành (quận 1), khách tấp nập từ sáng đến khuya muộn sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Nơi đây thu hút một lượng lớn khách tham quan, vui chơi và mua sắm, đặc biệt là khách quốc tế. Tất nhiên, các món hàng nhái, hàng giả cũng được bán rất chạy cho “khách Tây”. Theo chân nhóm khách đến từ Australia đi len lỏi từ cửa Đông sang cửa Tây (từ đầu đến cuối chợ), chúng tôi cực kỳ ngạc nhiên về mức giá chào bán tại đây.
Chẳng hạn, cùng chiếc túi xách Gucci hoặc Louis Vuitton “nhái” bán tại chợ Bình Tây (quận 6) có giá khoảng 450.000 đồng, nhưng ở chợ Bến Thành “hét giá” tới 1,5-2 triệu đồng/chiếc. Anh N.A., hướng dẫn viên tự do cho các nhóm khách inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam), cho biết: “Khách du lịch tự túc thỉnh thoảng mua vài món hàng nhái do nhu cầu sử dụng tại chỗ. Chưa kể nước ta cũng dễ dãi, không ai bị phạt vì mua hay dùng hàng giả. Nhưng thường thì ra đến sân bay, khách sẽ vứt vì nhiều quốc gia rà soát rất kỹ hàng giả”.
Hàng giả tràn lan trên mạng
“Với công nghệ trí tuệ nhân tạo, chỉ cần bạn ngồi “tám”, nói tên các nhãn hiệu, sau đó mở điện thoại lên sẽ thấy hàng loạt trang quảng cáo sản phẩm thương hiệu với giá chỉ… vài trăm ngàn đồng! Nhấp vào sẽ thấy thế giới hàng giả bán công khai trên mạng”, chị Tôn Nữ (quận Thủ Đức, TPHCM, thường “săn” hàng trên mạng) hướng dẫn. Điều đó cho thấy, hàng giả “theo đuổi” tận nhà, tận mắt mọi người.
Quả thật, hiện nay rất nhiều cá nhân sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... để bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.
Túi xách, ví da các loại nhái thương hiệu Gucci, LV, Adidas, The North Face, Louis Vuitton... bán công khai tại chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM). Ảnh chụp tháng 11-2022. Ảnh: THI HỒNG
Những người “nghiện” mua sắm thường thấy hàng hóa hiện lên bắt mắt là mua. Chị Nguyễn Thị Thanh (quận Thủ Đức, TPHCM) kể, tình cờ thấy túi xách Louis Vuitton màu da đẹp nhưng giá chưa đầy 1 triệu đồng nên chị đặt mua, sau đó phải săn tiếp bộ váy cùng màu để cho thời trang! Có lẽ nắm được tâm lý đó nên các trang bán hàng gian, hàng giả chạy quảng cáo khắp các trang mạng, thu hút được nhiều khách hàng với hình ảnh đẹp nhưng giá… “bèo”!
Chúng tôi vào tài khoản Facebook có tên Đ.H.T. có hơn 1.000 lượt theo dõi. Trong phần giới thiệu thông tin cá nhân, Đ.H.T. không ngần ngại viết: “Chuyên bán quần áo nam cao cấp...”. Hình ảnh các sản phẩm được Đ.H.T. rao bán hầu hết đều đến từ thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Chanel... Thế nhưng, các sản phẩm này có giá khá rẻ, từ vài trăm đến 1 triệu đồng cho một món đồ. Trong vai người muốn mua giày, chúng tôi liên hệ và được Đ.H.T. tư vấn: “Giày Gucci thì em có nhiều, giày nam là đa phần vì em chủ yếu bán sản phẩm cho nam. Nhưng nếu chị cần giày nữ thì em cũng có thể tìm được. Bên em là hàng từ Hồng Công qua nên rất tinh xảo, chỉ may và da đều như thật.
Có cả logo in chìm và nổi để cho nó sang chảnh luôn”. Đ.H.T. còn khẳng định rằng: “Hàng em khó phân biệt được thật hay giả lắm chị”.
Câu chuyện của Đ.H.T. cho thấy rất nhiều bạn trẻ chọn cách “khởi nghiệp” bằng việc buôn bán hàng giả, hàng nhái qua mạng xã hội. Các quy định về giấy phép kinh doanh, chứng từ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa, thậm chí các loại thuế phí cũng bị họ phớt lờ. Quan trọng hơn, cơ quan chức năng hiện nay chưa có quy định cụ thể và cả chế tài về phê duyệt tin bài đăng bán hàng, kiểm tra và xử phạt người kinh doanh bất chính trên mạng xã hội.
Điều đáng nói là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng cũng xuất hiện trên các trang thương mại điện tử. Chỉ cần vào ứng dụng mua sắm trực tuyến của hãng thương mại điện tử S. và gõ cụm từ “túi xách Gucci”, lập tức hàng loạt mẫu túi xách được gắn mác Gucci xuất hiện, giá bán chỉ từ vài trăm ngàn đồng. Qua đối chiếu thực tế, túi xách chính hãng của nhà mốt Gucci không hề có giá vài trăm ngàn đồng, vậy những chiếc túi được rao bán với giá rẻ bèo này có xuất xứ từ đâu?
Trung tâm thương mại: đầy hàng “dỏm”
Ở tầng 1 tại Trung tâm thương mại N.Z (quận 1, TPHCM) bày bán nhiều thương hiệu giày dép, trang sức, phụ kiện chính hãng nổi tiếng.
Tuy nhiên, tầng 3 của nơi này lại có nhiều gian hàng bày bán nhiều sản phẩm nhái kém chất lượng. Cụ thể, nhiều túi xách, giày dép, quần áo, nón của các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Dior, Tommy Hilfiger... được bày bán với giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng. Chúng tôi bắt chuyện cùng một nhân viên bán hàng, chị cho biết: “Đôi giày Gucci có giá 800.000 đồng, còn cái túi Gucci có giá 1,3 triệu đồng”.
Hỏi về xuất xứ của sản phẩm, nhân viên này nói thêm: “Đây là túi và giày có tên là Gucci, Chanel nhưng sản xuất tại Việt Nam”. Ngoài túi xách và giày dép thì quần áo của các thương hiệu nổi tiếng trên cũng được làm giả, làm nhái rất tinh vi và đa dạng. Tinh vi bởi lẽ, ngoài kiểu dáng giống như hàng thật thì trên quần áo còn in hoặc đính kèm logo nhận diện thương hiệu. Hơn nữa, đường chỉ may và màu sắc của sản phẩm cũng rất tinh xảo.
Một nữ nhân viên tại gian hàng bán áo thun của hãng Tommy Hilfiger bật mí: “Đang giảm giá nên mỗi cái áo chỉ có giá 150.000 đồng thôi”. Khi chúng tôi thắc mắc về việc vì sao áo của hãng Tommy Hilfiger lại rẻ như vậy thì được trả lời: “Tụi em làm nhân viên nên cũng không rõ lắm về nguồn gốc đâu, chỉ biết là áo được lấy từ nước ngoài về bán lại”. Tương tự, khi hỏi mua các phụ kiện thời trang khác thì chúng tôi chỉ nhận được sự tư vấn rụt rè của nhân viên bán hàng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Sử dụng hàng giả bị phạt nặng Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM) dẫn chứng, pháp luật Mỹ quy định cá nhân và tổ chức có hành vi chế tác, phân phối hay mua bán hàng giả sẽ bị xử phạt với các khoản tiền vô cùng lớn, thậm chí có thể bị phạt tù. Phạm tội lần đầu có thể bị phạt đến 10 năm tù, và nếu có hành vi tái phạm, mức phạt có thể đến 20 năm tù; tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt với số tiền lên đến 15 triệu USD, các cá nhân có hành vi tái phạm có thể bị phạt tối đa 5 triệu USD. Tại Pháp, người mua phải chịu phạt với số tiền gấp 3 lần giá bán lẻ của sản phẩm chính hãng; mua hàng giả hoặc tàng trữ hàng giả có thể bị phạt tiền tối đa 300.000 EUR, thậm chí bị phạt 3 năm tù giam… |
Phát hiện nhiều vụ kinh doanh hàng nhái, hàng giả Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM vừa cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ vi phạm kinh doanh hàng nhái, giả mạo thương hiệu… Tại cửa hàng Nhật Si (đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức) chứa trữ trên 1.900 sản phẩm gồm giày, dép, túi xách chưa qua sử dụng, không hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci, Dior..., tổng giá trị hàng hóa ước tính195 triệu đồng. Trước đó, Tổng cục QLTT cũng phối hợp với các lực lượng chức năng tại TPHCM kiểm tra đồng loạt nhiều gian hàng tại Trung tâm Thương mại Saigon Square (quận 1), phát hiện nhiều hàng giả mang thương hiệu cao cấp! Từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng cục Hải quan ước tính toàn ngành đã bắt giữ gần 14.000 vụ vi phạm (trong đó có hàng giả, hàng nhái), trị giá hàng hóa ước tính gần 5.000 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ. |